Chỉ vì chút bồng bột và không làm chủ được bản thân, anh Đỗ Khắc Chí, sinh năm 1976, ở tổ 4, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đã bị kết án 13,5 tù về tội lưu hành tiền giả. Quãng thời gian đằng đẵng sau song sắt, anh đã nhận ra lỗi lầm của mình để quyết tâm làm lại và trở thành một người sản xuất kinh doanh giỏi, tấm gương sáng của tỉnh Hà Giang trong tái hòa nhập cộng đồng.
Với vẻ mộc mạc, chân thành, anh Đỗ Khắc Chí đã chia sẻ về cuộc đời mình: Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố anh bị tàn tật, mẹ là công nhân lâm nghiệp, điều kiện gia đình hết sức khó khăn. Vì không được học hành đến nơi đến chốn và không nghề nghiệp, anh Đỗ Khắc Chí bước vào đời bằng những công việc phổ thông nặng nhọc, khiến anh nảy sinh tư tưởng muốn kiếm được nhiều tiền. Khi một người bạn rủ rê, anh đã tham gia lấy tiền giả về để lưu hành.
Vì tội đó, anh đã bị kết án 13,5 năm tù giam, thụ án tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an) đóng chân tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Những ngày mới vào Trại, mặc cảm với tội lỗi đã khiến anh tuyệt vọng, sống thu mình. Được sự quan tâm của bố mẹ và người thân, đặc biệt là cán bộ quản giáo, anh đã tích cực tu dưỡng, lao động sản xuất, quyết tâm cải tạo tốt.
Ngôi nhà của vợ chồng anh đang khẩn trương được xây dựng. |
Với những thành tích có được trong thời gian cải tạo, Đỗ Khắc Chí đã nhiều lần được giảm án và được tham gia lao động tại Khu di tích Nha Công an Trung ương, tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, anh đã vinh dự được Chủ tịch nước đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2005, được trở về trước thời hạn 5 năm.
Trở về với gia đình, anh rất vui mừng nhưng cũng rất sợ bị mọi người xa lánh, dị nghị. Thương bố mẹ già vất vả từng ngày mong mỏi con trai, anh quyết tâm làm lại cuộc đời tại chính nơi mình vấp ngã.
Với sự động viên kịp thời từ gia đình, bạn bè và được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, anh đầu tư sản xuất gỗ bóc xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ năm 2007 đến nay, anh đã xây dựng được 5 xưởng sản xuất gỗ ván bóc, tạo công ăn việc làm cho từ 100 - 150 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Một xưởng gỗ ván bóc xuất khẩu của gia đình anh. |
Không chỉ thực hiện có hiệu quả việc sản xuất kinh doanh gỗ bóc xuất khẩu, anh còn đầu tư kinh doanh vận tải. Hiện gia đình anh có 3 chiếc xe đầu kéo chuyên vận tải hàng hóa từ Cảng Hải Phòng lên Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Hà Giang… Gia đình anh hiện có tổng số vốn lên tới 7 tỷ đồng và đang đầu tư xây dựng một ngôi nhà khang trang, trị giá gần 3 tỷ đồng.
Đại tá Vũ Văn Thanh, Trưởng Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cho biết: Anh Đỗ Khắc Chí là tấm gương điển hình vượt qua bóng tối lầm lỗi và mặc cảm quá khứ để trở về đời thường, vươn lên làm giàu chân chính, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Không chỉ phát triển sản xuất kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, bản thân anh còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện. Năm 2014, anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng Bằng khen cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.