Từ “đại ca” khét tiếng Anh Lê Thừa Dương Hùng (sinh năm 1973), lớn lên ở làng quê nghèo Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 11 tuổi, cậu bé Hùng đi theo một đại ca giang hồ khét tiếng đất Quảng Trị và dần trở thành cánh tay đắc lực của đại ca đất Quảng. Năm 15 tuổi, trong một lần bảo kê cho đàn em ở bến xe khách ở Huế, Hùng đã đánh người gây thương tích nặng, bị đưa đi cải tạo, giáo dục 2,5 năm. Thời gian giáo dục trong trại không tác động nhiều đến Hùng. Trở về, Hùng tiếp tục lao vào con đường giang hồ, ngày càng lún sâu vào tội lỗi. Lần thứ hai, Hùng dính vào con đường lao lý vì đánh trọng thương một công an viên. Không lâu sau Hùng “sầu” trốn trại, vào Thành phố Hồ Chí Minh lẩn trốn, bị truy nã toàn quốc.
Anh Lê Thừa Dương Hùng (bên trái) đang kiểm tra và hướng dẫn công nhân hoàn thiện một sản phẩm điêu khắc từ gỗ. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Vào miền Nam, Hùng gia nhập một băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương, Thành phố Hồ Chí Minh được một thời gian, rồi phải “trốn nã” sang Campuchia. Mặc dù ở đất khách quê người, nhưng với bản tính giang hồ, Hùng “sầu” tiếp tục gây dựng cánh đàn em bảo kê khu người Việt. Nhưng rồi không thể cạnh tranh được với nhóm giang hồ bản địa, Hùng trôi dạt sang Lào 6 tháng trước khi về Việt Nam và trở thành “đại ca” của nhóm giang hồ tại An Sương. “Lưới trời lồng lộng”, năm 1997, Hùng “xộ khám” lần 3, chấp hành án phạt 3,5 năm tù. Trong lần thứ 3 ở tù, Hùng may mắn được học chữ. Có lẽ, chính cái sự học và cải tạo trong tù đã khiến Hùng “sầu” mong muốn được làm người lương thiện. Từ đó Hùng “sầu” quyết tâm sẽ hoàn lương. Nhờ cải tạo tốt, Hùng được ra tù vào tháng 1/2000, trước hạn 6 tháng.
Ra tù, với một lý lịch "đen", đi đâu Hùng cũng bị người ta khinh rẻ và kinh sợ, chẳng ai muốn chứa chấp, nhận vào làm. Hùng lang thang phiêu bạt, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Có lúc, Hùng muốn quay trở lại con đường đâm thuê chém mướn, nhưng rồi với quyết tâm trở thành người tốt anh đã vượt qua được mặc cảm, hoàn cảnh. Anh nhớ lại: “Trong một lần đi lang thang, tôi vào một ngôi chùa, ngồi giữa sân rất lâu như một sự ăn năn hối hận về những tội lỗi mình đã gây ra, cầu mong Đức Phật chỉ cho con đường sáng. Từ trong nhà chùa bước ra, một vị sư cầm bát cơm và mời tôi ăn. Lúc này, tôi không thể kìm được nước mắt”. Từ đó, ngày nào anh Hùng cũng tìm đến cửa Phật để ngồi tịnh tâm. Trong một lần như thế, anh gặp “đại ca” cũ Lê Lam, người cũng đã quy y cửa phật, khiến động lực hoàn lương trong anh càng mạnh mẽ.
Vượt qua được chính bản thân, anh tìm nghề theo học. Trải qua nhiều nghề không thành, anh xin vào làm tại xưởng gỗ liên doanh Việt – Nhật. Sau gần 4 năm miệt mài học hỏi từ những người thợ tại đây, tay nghề của anh đã vững. Với số tiền dành dụm được, Hùng quyết định mở xưởng điêu khắc Tịnh Tín, tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là mái nhà cho nhiều đứa trẻ, người lang thang, người vừa ra tù muốn làm lại cuộc đời.
Trở thành chỗ dựa cho người lầm lỗi trở về Giờ đây, xưởng gỗ của anh Lê Thừa Dương Hùng được rất nhiều người biết đến. Tính đến nay, anh đã giúp đỡ hơn 200 người lầm lỗi, trẻ em cơ nhỡ, người nghiện ma túy. Nhiều người “cứng tay nghề” đã ra làm riêng, tiếp tục nhân rộng mô hình đầy ý nghĩa này. Anh tâm sự: “Với quá khứ lầm lỗi, tôi rất hiểu sự khó khăn của cuộc sống sau khi ra tù. Đó chính là lý do để tôi mở ra cơ sở này, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho họ, giúp đỡ để họ không tái phạm, không vướng vào các tệ nạn xã hội, có tinh thần sửa sai, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội".
Anh Lê Thừa Dương Hùng (bên phải) cùng công nhân điêu khắc các sản phẩm từ gỗ. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Từ khi cơ sở này thành lập, anh Hùng chưa từng từ chối một trường hợp nào xin vào làm việc. Anh cho biết, khó khăn nhất là khi tiếp nhận những thanh niên mới ra tù hoặc bị nghiện ma túy. Họ như những con ngựa bất kham, khiến anh phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, chỉ bảo. Với những người mới đến, anh thường tâm sự nhiều hơn, lắng nghe những câu chuyện của họ, từ đó khuyên bảo, giúp họ tin tưởng rằng con đường hoàn lương không còn xa nếu quyết tâm. Em Nguyễn Hoàng Nam Quốc (nhà ở quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh), trở về từ trung tâm cai nghiện, mới vào làm tại xưởng của anh từ tháng 6/2015. Em kể rằng sau khi ra trại, bố mẹ em sợ con tái nghiện nên gửi em vào đây, để “sư phụ” dạy dỗ. Gặp “sư phụ” Hùng, cảm nhận được sự ân cần, giúp đỡ đầy tình thương, Quốc đã quên đi quá khứ không may mắn và thấy thích công việc này từ lúc nào không hay.
Bên cạnh công việc hàng ngày ở xưởng, anh Hùng cũng tổ chức cho anh em nhiều buổi sinh hoạt, đặc biệt là các buổi đến chùa Hoằng Pháp (ngôi chùa trước đây đã “thức tỉnh” anh, ở gần xưởng gỗ) nghe các nhà sư nói chuyện. Thầy Thích Tâm Huy, người đã quen biết anh Hùng 7 năm cho biết, từ những lần đầu gặp anh Hùng, thầy đã thấy được ý chí cầu tiến và nghị lực thay đổi của anh. Thầy Thích Tâm Huy cũng bày tỏ sự cảm phục đối với việc làm của anh Hùng, thể hiện một tấm lòng cao cả.
Dịp kỷ niệm 2/9 năm nay, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 18.000 phạm nhân đang chấp hành án tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá. Anh Hùng cho biết, từ nhiều ngày nay, anh nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các gia đình có người thân được đặc xá lần này, để xin cho con em họ vào làm tại xưởng gỗ. Hiện cơ sở sản xuất của anh ở Lâm Đồng đang nhận điêu khắc cả trăm bức tượng cho một công ty lớn nên công việc cũng nhiều, sắp tới có thêm người sẽ rất tốt. Theo anh Hùng, chính sách đặc xá cho người cải tạo tốt, đã tạo cơ hội và nguồn động lực quan trọng, giúp những người lầm lỡ hoàn lương, thay đổi. Anh cũng dự định sẽ tìm địa điểm, mở thêm xưởng mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Ghi nhận những đóng góp trong công tác giúp đỡ những người từng lầm lỡ trở về hoàn lương, anh Lê Thừa Dương Hùng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công an và Bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.