Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 3

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế trong công tác triển khai Đề án 1816 là các đơn vị lập kế hoạch phải dựa trên kết quả công tác chỉ đạo tuyến kết hợp với điều tra khảo sát nhu cầu "cái cần" của tuyến dưới và đánh giá khả năng đáp ứng "cái có" của tuyến trên. Sau khi “khớp nối”, sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và ký hợp đồng trách nhiệm giữa hai đơn vị rồi mới thực hiện. Tuy nhiên...

Bài 3: Tăng giám sát, giảm vướng mắc

- “Chúng tôi chỉ xuống hỗ trợ bệnh viện (BV) tuyến dưới khi nhận được văn bản yêu cầu trợ giúp của BV đó. Và trước khi triển khai Đề án 1816 tại BV nào thì chúng tôi cũng đều gửi văn bản báo cáo và xin chỉ đạo điều động của Bộ Y tế. Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng: Khi chúng tôi tới BV đó thì đã có BV khác tới chuyển giao kỹ thuật đó rồi. Ví dụ, một BV ở Hòa Bình yêu cầu BV Nhi TƯ giúp về các kỹ thuật huyết học để triển khai hoạt động thay máu cho trẻ em, nhưng khi chúng tôi cử cán bộ xuống thì cán bộ của BV Bạch Mai tới, vì vậy chúng tôi phải tạm “rút”, TS Đặng Tự, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Nhi TƯ cho hay.

Điều đáng nói là không chỉ có BV nọ ở tỉnh Hòa Bình xảy ra tình trạng chồng chéo, trước đây Bộ Y tế cũng đã từng phải giải quyết tình trạng một BV tỉnh có đến 5 - 7 BV tuyến TƯ ùn ùn kéo quân về, gây khó khăn cho chính BV tuyến dưới trong việc bố trí nơi ăn chốn ở cho các BS đi luân phiên.

Thầy thuốc của Bệnh viện Việt - Đức chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi cắt ruột thừa cho các thầy thuốc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh: Hữu Oai - TTXVN


PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, cho rằng: “Cần có sự “điều hòa” chặt giữa yêu cầu và nhu cầu thực sự của tuyến dưới. Thực tế là khá nhiều BV tuyến dưới muốn triển khai kỹ thuật cao như mổ nội soi, mổ tim… trong khi họ chưa làm tốt các hoạt động cơ bản như: Chống nhiễm khuẩn, quản lý điều dưỡng, vật tư trang thiết bị, chăm sóc sơ sinh…”.

“Một bệnh viện tuyến dưới đã yêu cầu BV Đa khoa Trung ương Huế chuyển giao những kỹ thuật rất cao nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy công tác chống nhiễm khuẩn ở BV này rất yếu. BS đi vào phòng mổ nhưng vẫn mặc quần áo bình thường, phòng mổ vẫn để quạt thông gió. Phòng vệ sinh thì sát ngay phía ngoài cửa phòng mổ. Nhân viên làm vệ sinh quét dọn, lau chùi không đúng quy trình chống nhiễm khuẩn…”, PGS.TS Hiệp cho hay.

Vậy nên trong thời gian qua, trước khi chuyển giao các giao kỹ thuật hiện đại như nội soi, tạo hình, thay khớp háng…, các cán bộ 1816 của BV Trung ương Huế đã giúp cho nhiều BV tuyến dưới “cải thiện” hoạt động nhiễm khuẩn, bố trí hệ thống trực gác, quản lý điều dưỡng…

- “Song song với hoạt động đưa cán bộ về tuyến dưới để “làm thay” ở những nơi thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị và “làm thầy” ở những nơi có đủ nhân lực và trang thiết bị để tiếp nhận kỹ thuật mới, Đề án 1816 cũng cần xây dựng thêm kế hoạch chuyển giao gói kỹ thuật, điều phối tốt các hoạt động chuyển giao này”, PGS.TS Hiệp nhấn mạnh.

Tăng sự điều phối từ Bộ Y tế

Từ thực tế nêu trên cho thấy, để Đề án 1816 ngày một đạt hiệu quả bền vững hơn thì rất cần sự điều phối mạnh từ chính cấp quản lý cao nhất là Bộ Y tế.

Hiện nay, dù Bộ Y tế đã ban hành quy định về Phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, nhưng các BV đầu ngành phụ trách về chuyên môn hoàn toàn không có chức năng điều động nhân lực của BV khác về hỗ trợ BV tuyến dưới.

Về nguyên tắc, trước khi các BV tuyến trên xuống tuyến dưới đều có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về kế hoạch thực hiện. Nhưng hiện nay, Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Đề án, đặt tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh, chỉ vẻn vẹn có 4 cán bộ, chịu trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai Đề án 1816, tiếp nhận đề xuất từ các tỉnh và điều phối (ra quyết định cử từng BV trực thuộc Bộ đi luân phiên), kiểm tra giám sát (phải lồng ghép với các hoạt động khác), sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm… Đó là chưa nói đến việc, họ còn phải theo dõi công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục. Số lượng đầu việc quá nhiều trong khi nguồn nhân lực quá mỏng như thế nên việc điều phối Đề án 1816 từ Bộ Y tế về cơ bản vẫn dựa trên sự đề xuất của các BV và các địa phương cần trợ giúp.

Việc “khớp nối” giữa BV tuyến trên và BV tuyến dưới vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của lãnh đạo BV tuyến dưới và mức độ “hợp” nhau giữa BV tuyến trên và dưới. Khó tránh khỏi tình trạng chồng chéo, có BV được nhận quá nhiều sự hỗ trợ nhưng sẽ có nơi lại ít được quan tâm do lãnh đạo nơi đó chưa linh hoạt, BV đó quá thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực. Ngoài ra, cũng khó mà giám sát được những đề xuất của các BV tuyến dưới liệu có đúng nhu cầu, hay lại chạy theo bệnh "thích triển khai kỹ thuật cao cho oai" mà nhiều BV hay mắc hiện nay…

Do đó, Bộ Y tế cần sớm tăng cường lực lượng cán bộ trực tiếp phụ trách các hoạt động triển khai Đề án 1816 ở cấp Bộ. Cần xác định những BV nào, thuộc địa phương nào cần tập trung giúp đỡ. Sau đó, giao chỉ tiêu hỗ trợ cụ thể cho các BV tuyến trên để trong một thời gian nhất định, các BV này lần lượt luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Đặc biệt, cần tăng cường mạnh cho khâu kiểm tra, giám sát hiệu quả triển khai Đề án 1816 tại các đơn vị có cán bộ đến luân chuyển.

Phương Liên

Bài cuối: “Mọi hoạt động đều hướng tới tính bền vững của đề án”

Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 2
Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 2

Sau hơn 2 năm thực hiện, 3 mục tiêu của Đề án 1816 cơ bản đã đạt được. Đó là giảm được 30% số bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN