Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 1

Đề án cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (Đề án 1816) chính thức được triển khai từ tháng 8/2008. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Đề án 1816 cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra, song bên cạnh đó cũng còn không ít thách thức…

Bài 1: Cái khó “ló” cái khôn

Trong quá trình thực hiện Đề án 1816, các bệnh viện tuyến trên “vấp” phải khá nhiều “lực cản” do tuyến dưới thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị... Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo trong việc thay đổi phương thức triển khai, nhiều đơn vị không những đã vượt qua được những trở ngại đó mà còn trở thành những “điểm sáng”, góp phần tạo hiệu quả bền vững hơn cho Đề án 1816.

Bác sỹ Bệnh viện Tai – Mũi - Họng TƯ chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tai giữa-vá màng nhĩ qua kính hiển vi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Linh hoạt cử cán bộ "lên", "xuống"

- “Nếu chỉ đơn thuần gửi “thầy”, những cán bộ nòng cốt, của tuyến trên về tuyến dưới thì hiệu quả không thể như mong đợi. Do đó, tuyến trên cần phải khảo sát tốt, cử cả “thầy" lẫn “thợ” xuống tuyến dưới thì mới có thể giúp tuyến dưới làm tốt các vấn đề chống nhiễm khuẩn, cấp cứu và tiếp nhận các kỹ thuật cần thiết với người dân, phù hợp với năng lực, trang thiết bị của đơn vị đó”, ông Bùi Đức Long, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, kiêm Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Là một BV tuyến tỉnh, trong năm 2010, BV Đa khoa Hải Dương đã cử 45 cán bộ luân phiên xuống các cơ sở y tế tuyến huyện, trong đó BV Đa khoa huyện Bắc Yên - Sơn La là đơn vị nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất.

- "Sau khi nhận được công văn đề nghị giúp đỡ của tỉnh Sơn La, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế ở 2 huyện Sốc Cộp, Bắc Yên. Quả thực, đội ngũ cán bộ ở đó chưa "cứng" về chuyên môn, nhận thức cán bộ còn "cọc cạch", trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lại rất cao. Do đó, chúng tôi quyết định gửi cả "thầy" và "thợ” về Bắc Yên”, ông Bùi Đức Long cho biết.

BV huyện Bắc Yên nằm cách thành phố Sơn La hơn 100 km. Dù đã được tài trợ một số máy móc, trang thiết bị như giường đa năng, máy thở, máy truyền dịch… nhưng vì năng lực cán bộ có hạn, nên nhiều máy móc đành “đắp chiếu” nằm kho, có khi chỉ vì hỏng một con vít hoặc cán bộ chưa biết cách vận hành. Nhờ sự trợ giúp, hướng dẫn của đoàn cán bộ BV đa khoa tỉnh Hải Dương, số máy móc này đã được sửa chữa, tiếp tục hoạt động. Đoàn thầy thuốc Hải Dương còn dành thời gian để khảo sát thực trạng, tư vấn và trực tiếp giúp Ban Giám đốc BV tổ chức hoạt động BV, bố trí các phòng, công tác chống nhiễm khuẩn…

“Chúng tôi “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế ở Bắc Yên theo cách sau một buổi lên lớp giảng về kiến thức cơ bản là một buổi thực hành trên từng ca bệnh. Đối với một số lĩnh vực, thay bằng việc chỉ cử cán bộ xuống để “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi đề nghị BV huyện Bắc Yên cử cán bộ về BV Hải Dương để học tập, sau đó mới quay về Bắc Yên làm việc dưới sự giám sát của BS BV Đa khoa Hải Dương”, ông Bùi Đức Long cho hay.

Không chỉ linh hoạt trong hoạt động cử bác sĩ “lên’, “xuống” nhằm giúp tuyến dưới có đủ khả năng tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, BV đa khoa Hải Dương còn nhận đào tạo cho khoảng 60 nhân viên y tế trong toàn tỉnh Sơn La ở các lĩnh vực gây mê hồi sức, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu… Mọi chi phí ăn ở, học tập của số cán bộ này đều được miễn phí.

- “Chúng tôi bố trí anh em từ Sơn La về ngủ luôn tại BV. Vậy nên nếu buổi đêm có việc, anh em cũng có thể tham gia trực cấp cứu, tham gia hoạt động chuyên môn, cọ xát với thực tế để nâng cao tay nghề. Nhờ vậy, hiệu quả học tập được nâng cao, anh em vững tin hơn khi áp dụng những kiến thức, kỹ thuật mới vào quá trình khám chữa bệnh”, BS Long nói.

“Đầu tư” trọng điểm

Không chọn cách “đầu tư” mọi chi phí ăn ở cho các cán bộ tuyến dưới về BV tuyến trên học tập như BV Đa khoa tỉnh Hải Dương, nhưng BV Nhi TƯ cũng có cách làm rất hay trong triển khai Đề án 1816, là “đầu tư” trọng điểm vào những đơn vị tuyến dưới, BV chỉ “rút” khi cán bộ tuyến dưới thực hiện hiệu quả các kỹ thuật đã chuyển giao.

Sang năm thứ 2 triển khai Đề án 1816, BV Nhi TƯ đã mở rộng ra và tập trung vào những BV có nhu cầu muốn chuyển giao một số kỹ thuật, ưu tiên một số BV nhi/sản nhi và các BV đa khoa có nhu cầu phát triển kỹ thuật. Đặc biệt, trong năm thứ 3 này (năm 2011), BV Nhi TƯ tập trung hỗ trợ các tỉnh trọng điểm có các BV nhi, BV sản nhi có số lượng bệnh nhân nhi nhiều, mặt bệnh đa dạng. Nhưng với hướng “đi” mới này, BV Nhi TƯ cũng gặp không ít khó khăn do một số BV này mới thành lập, thiếu trầm trọng cán bộ được đào tạo về nhi khoa, không tránh được tình trạng “bỡ ngỡ” khi tiếp xúc với bệnh nhi.

- “Một số nhân viên điều dưỡng thậm chí lấy ven cũng rất khó khăn. Sau 1- 2 lần thấy cán bộ y tế lấy ven không được, nhiều gia đình rất bức xúc, “ép” cán bộ tuyến dưới phải chuyển con cái mình lên tuyến trên. Vì vậy, cán bộ tuyến dưới khó có thể tự tin khi chưa được trang bị những kiến thức cơ bản”, TS Đặng Tự - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Nhi TƯ giải thích.

Để giúp đỡ những đơn vị nằm ở trong tình trạng này, BV Nhi TƯ yêu cầu BV tuyến dưới chỉ tiếp nhận những bệnh nhân nhẹ, nằm trong khả năng của BV, số bệnh nhân nặng nhất định phải chuyển lên tuyến trên. Trong thời gian đó, BV tuyến dưới phải cử cán bộ về BV Nhi TƯ để đào tạo trước, giúp họ có kiến thức cơ bản nhất, sau đó mới quay trở lại công tác với sự giám sát của các BS 1816 của BV Nhi TƯ.

- “Đối với những đơn vị không đủ bệnh nhân, chúng tôi yêu cầu các BS tuyến dưới lên BV Nhi TƯ để thực tập. Khi tuyến dưới có đủ bệnh nhân, chúng tôi lại tiếp tục xuống chuyển giao kỹ thuật cho đến khi tuyến dưới làm được mới thôi”, TS Đặng Tự khẳng định.

Với cách làm này, năm 2010, BV Nhi TƯ đã cử hơn 236 lượt cán bộ luân phiên và chuyển giao 48 kỹ thuật xuống cho 9 BV tuyến tỉnh. BV Nhi TƯ được Bộ Y tế đánh giá là một trong những mô hình thực hiện hiệu quả Đề án 1816.

Theo khảo sát thực tế của PV Tin Tức, sang năm thứ 2, không chỉ có BV Nhi TƯ, BV Đa khoa Hải Dương triển khai hiệu quả Đề án 1816, mà còn khá nhiều đơn vị khác linh hoạt trong việc cử cán bộ “lên”, “xuống” nhằm nâng cao trình độ cán bộ và khả năng tiếp nhận các kỹ thuật được chuyển giao. Hiệu quả của Đề án 1816 nhờ vậy đã đi vào chiều sâu, vững chắc hơn, chứ không đơn thuần chỉ là BS tuyến trên về làm thay các BS tuyến dưới, giảm 30% số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Nhưng bất kỳ một chủ trương, chính sách nào thì cũng có mặt hạn chế và Đề án 1816 cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những kết quả ban đầu đáng khích lệ đó thì quá trình triển khai Đề án cũng nảy sinh một số vướng mắc, đòi hỏi ngành y tế phải nỗ lực hơn nữa nhằm kịp thời giải quyết.

Phương Liên

Bài 2: Ngổn ngang trăm mối

Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 2
Vướng mắc triển khai đề án luân chuyển cán bộ y tế - Bài 2

Sau hơn 2 năm thực hiện, 3 mục tiêu của Đề án 1816 cơ bản đã đạt được. Đó là giảm được 30% số bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN