Vui, buồn ở Làng nghề sắt, thép Châu Khê -Bài 2: Khổ vì “phố lội” và“đường hành xác”

Mặc dù làng nghề sắt, thép phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) mỗi năm tạo ra giá trị sản lượng 4.000 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 20 tỉ đồng/năm, nhưng người dân của làng nghề này hàng chục năm nay lại phải chịu cảnh sống chung với “phố lội” và tuyến đường “xấu nhất Việt Nam”.

Lụt “trói” sản xuất


9 giờ sáng tại Cụm công nghiệp sản xuất (CNSX) thép Châu Khê, nhìn các tuyến đường trong khu vực Cụm CN ngập trắng nước, bất cứ ai cũng có thể nghĩ về một trận mưa lớn vừa xảy ra. Hầu khắp các tuyến đường giao thông trong Cụm CNSX thép đều bị ngập.

Đường trong Cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê bị ngập trong nước.


“Giờ này nước đã rút nhiều rồi đấy, ngày mai, anh có mặt ở đây vào 7 giờ sáng mà xem, nước ngập đến đầu gối. Ô tô đi qua là nước tràn vào tận trong nhà, ướt hết cả hàng hóa...”, cô nhân viên bán hàng của Xưởng thép Thủy – Ngân, khu phố dịch vụ Cụm CNSX thép Châu Khê phản ánh với tâm trạng bức xúc.

Theo các hộ sản xuất, kinh doanh thép tại phố dịch vụ (khu trung tâm buôn bán sắt, thép), trong Cụm hiện có hơn 120 máy đúc (nấu phôi thép), công suất mỗi máy từ 3 – 5 tấn phôi/ngày và hàng chục máy cán thép, công suất 30 – 50 tấn thép cán/ngày. Khi đồng loạt sản xuất, các máy đúc, máy cán dùng tới 2.700 m3 nước/ngày để làm mát rồi thải ra. Do hệ thống cống thoát nước thải đã tắc nên cứ đêm và nửa buổi sáng hàng ngày, gần như toàn bộ các tuyến đường trong Cụm CNSX thép bị ngập.

Theo các hộ sản xuất, kinh doanh trong Cụm, tình trạng ngập lụt của Cụm đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của toàn khu vực. Ví như khi các máy đúc hoạt động và xả nước, do cống tắc làm nước dâng lên trong toàn Cụm gây ngập từ ngoài đường vào trong nhà xưởng, rất nguy hiểm cho sản xuất. Đã xảy ra trường hợp tai nạn điện giật vì nước ngập. Ban quản lý điện thường phải cắt điện mỗi khi nước dâng gây nguy hiểm đến trạm biến thế. Việc điện bị cắt trong khi các máy đúc đang hoạt động làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất.

“Con đường hành xác!”

Đi sâu vào trong phố Đa Hội, khu vực có hàng trăm hộ làm các nghề như đan lưới B40, làm đinh, rút, rập, cắt xắt.., tuyến đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ Cụm CNSX thép vào phố Đa Hội chỉ khoảng 2 km nhưng thật sự là “đoạn đường hành xác”.

Trên suốt 2 km của tuyến đường là vô số ổ trâu, ổ voi. Nhìn những chiếc xe công nông, ô tô tải “cõng” trên mình ngất ngưởng những cuộn sắt phải vặn mình lách, tránh những ổ voi trên đường, bất cứ ai chứng kiến cũng rùng mình vì cảm giác những xe công nông sắt ấy có thể đổ vật xuống đường bất cứ lúc nào.

Theo người dân hai bên đường, tình trạng ổ voi hay ao trên phố đã diễn ra hàng chục năm nay. Chính vì thế, người dân Đa Hội mới đặt tên phụ cho tuyến đường là: “con đường hành xác!”. Là người của phố Đa Hội, nếu phải đi từ nhà ra Cụm CNSX thép hay đường cái, ai cũng chọn lối đi vòng, qua cầu, sang bên kia sông dù có đi 5 km vẫn thấy nhàn hơn việc phải đi 2 km trên phố Lý Thường Kiệt.

Xác nhận tình trạng lụt trong Cụm CNSX thép và tình trạng ổ voi trên tuyến phố Lý Thường Kiệt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân phường Châu Khê nói chung và phố Đa Hội nói riêng, bà Phạm Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết, phường cũng đã kiến nghị nhiều lần với lãnh đạo thị xã Từ Sơn và tỉnh (Bắc Ninh), thậm chí, đường Lý Thường Kiệt đã được thị xã và tỉnh đưa vào danh mục dự án cấp thiết phải sửa chữa từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao đã nhiều năm rồi, dự án vẫn chưa được khởi công.

Vẫn bà Nghĩa cho hay, trong 20 năm qua, đường Lý Thường Kiệt cũng đã có 2 lần được sửa chữa, nhưng chỉ là đổ đất để lấp các ổ voi, ổ gà trên đường. Đặc thù của làng nghề là sản xuất sắt, thép do đó xe chở thép thường có tải trọng lớn, đi lại nhiều. Nếu đường không tốt, sẽ nhanh chóng bị xuống cấp.

Đối với tình trạng ngập lụt trong Cụm CNXS thép, bà Nghĩa cũng cho biết, UBND phường đang khảo sát để chọn giải pháp nạo vét ao làm hồ chứa hay thiết kế cống thoát ra sông.

“Nhưng việc ngập lụt đã xảy ra 2 năm nay và các hộ trong Cụm Công nghiệp đang rất bức xúc?”, phóng viên Tin Tức đặt vấn đề. Bà Nghĩa giải thích: Để cải tạo hệ thống thoát nước trong Cụm CNXS thép cần một khoản kinh phí hàng tỉ đồng, vượt quá khả năng tài chính của phường nên dù phường muốn cũng lực bất tòng tâm.
Theo Báo cáo năm 2010 của phường Châu Khê, Cụm CNXS thép Châu Khê đạt doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng (tương đương 200 triệu USD). Nộp ngân sách Nhà nước 1,5 tỉ đồng/tháng (tương ứng khoảng 18 tỉ đồng/năm). Làng nghề Châu Khê đang giải quyết cho khoảng 7.000 lao động trong và ngoài khu vực với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề Châu Khê, với năng lực làm ra của cải, giải quyết lao động cho xã hội khá lớn, hàng năm đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương. Vậy mà người dân lại đang phải sống, sản xuất với một cơ sở hạ tầng quá xuống cấp. Vì sao làng nghề Châu Khê chưa nhận được sự đầu tư tương xứng với những đóng góp của mình? Câu trả lời đang để ngỏ cho chính quyền thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.

Bài và ảnh: Xuân Hương

Vui, buồn ở Làng nghề sắt, thép Châu Khê - Bài 1: Tài hoa của làng tỉ phú
Vui, buồn ở Làng nghề sắt, thép Châu Khê - Bài 1: Tài hoa của làng tỉ phú

Có thể khẳng định, trong số hàng nghìn làng nghề cả nước, làng nghề sắt, thép phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi có địa danh Đa Hội nổi tiếng trong sản xuất sắt, thép xứng đáng là “của hiếm” làng nghề Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN