Các thiết bị này sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện và cảnh báo kịp thời khi xảy ra hiện tượng lún, nứt.
Theo Tiến sĩ Kanno Takaki, đại diện Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki: khu vực thuộc số nhà 27c Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt có nhiều khe nứt nhất so với khu vực xung quanh. Các vết nứt của ngôi nhà có xu hướng kéo nghiêng về sau mặt đường Nguyễn Văn Trỗi. Đây là vị trí thích hợp nhất để đặt thiết bị quan trắc tự động.
Thiết bị quan trắc này bao gồm một dây giãn “đặc biệt” có thể kéo giãn được đặt trong ống nhựa dài khoảng 10m, độ rộng khoảng 9 cm. Nếu những ngôi nhà tiếp tục dịch chuyển ra phía sau, dây “đặc biệt” sẽ giãn ra, qua đó thiết bị sẽ đo được sự di chuyển đó. Các chuyên gia sẽ liên tục thu dữ liệu hàng ngày, từ đó có cảnh báo kịp thời nếu có sự cố.
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường nứt đất. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Được biết, tại Nhật Bản, thiết bị này được kết nối đồng bộ với điện thoại di động, giúp cơ quan chức năng cảnh báo kịp thời cho người dân khi có hiện tượng lún, nứt phức tạp.
Cùng với các giải pháp tức thời trên, việc thăm dò địa chất dưới bãi rác sâu 15m dưới lòng đất, khoan giếng ngầm tại khu vực xảy ra sự cố để rút nước ứ đọng cũng được các chuyên gia tính toán áp dụng trong những ngày tới.
Đến sáng 28/4, tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt, tình trạng nứt lún vẫn tiếp tục gia tăng, người dân tiếp tục di dời các vật dụng, hàng hóa kinh doanh ra khỏi các ngôi nhà bị nứt, lún. Trên cơ sở khảo sát bước đầu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xác định được hai nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố lún, nứt bất thường. Cả hai nguyên nhân đều hướng đến sự kết cấu đất yếu, dòng chảy tự nhiên tại nơi có sự cố. Thành phố Đà Lạt đã đặt bảng cấm tất cả ô tô lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Như tin đã đưa, vào sáng 26/4, các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi bất ngờ phát hiện nhiều vết nứt nham nhở trong nhà và trên đường. Khu vực bị ảnh hưởng do tình trạng nứt đất kéo dài gần 49 m, còn vết nứt trên mặt đất gần như song song với mặt đường Nguyễn Văn Trỗi dài khoảng 30 m.