Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc người dân đăng tải thông tin lên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận của họ. Tuy nhiên, việc đưa lên không được làm ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như quá trình làm việc của lực lượng công an.
"Nếu đưa hình ảnh tốt thì không sao nhưng trong lúc làm nhiệm vụ thì có nhiều khoảnh khắc, động tác, nếu anh lại chọn đúng lúc không đẹp đưa lên gây hiểu nhầm trong dư luận thì không được", đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết thêm: Việc công an Quy Nhơn xử lý hành vi này hay không, xử lý dân sự hay hình sự thì theo quy định của pháp luật. Mạng xã hội đang là vấn đề rất rộng, phức tạp. Luật An ninh mạng đã quy định chung về hành vi đưa thông tin lên mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng những quy định cụ thể liên quan đến xử lý vi phạm mạng thế nào thì quy định chưa rõ ràng, cụ thể.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, quyền tự do cá nhân đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Công dân không được tự ý sử dụng hình ảnh của người khác nếu không được phép.
"Không thể quay rồi đưa lên bất cứ thứ gì, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước, cũng như xâm phạm quyền của người khác. Tôi cho rằng những hành vi như thế cần được quy định rõ ràng và phổ biến cho người dân biết trong việc sử dụng mạng xã hội", đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị.
Trước đó, vào ngày 7/11 đã xảy ra vụ va chạm giữa xe máy mang BKS 77L1-303.79 do anh Huỳnh Hiệp Xuyên (sinh năm 1983, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển với xe máy mang BKS 77L1-938.49 do Phạm Thanh Tuấn (sinh năm 1996) điều khiển, chở theo Phạm Thanh Qua (SN 1997) và Phạm Ngọc Tuyển (sinh năm 1996, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định).
Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh cùng Đại úy Nguyễn Lê Nhung thuộc đội CSGT Công an thành phố Quy Nhơn đến hiện trường giải quyết vụ việc.
Tại hiện trường, Qua và Tuyển được cho là liên tục chửi bởi, xúc phạm, cản trở hai chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ. Khi tổ CSGT tiến hành đưa 2 phương tiện về trụ sở thì Qua và Tuyển giật lại, không đồng ý. Lúc này, Xuyên đã lấy xe bỏ chạy. Qua và Tuyển hô hoán đòi đưa cả 2 xe về trụ sở chứ không đưa về một xe. Trong lúc giằng co, Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh ngã xuống đất.
Hôm sau ngày 8/11, clip ghi lại sự việc được tung lên mạng xã hội, gây sự thu hút của dư luận. Nhiều người cho rằng Thiếu úy Linh tự ngã để kiếm cớ xử lý người dân. Công an TP Quy Nhơn sau đó xác định Thiếu úy Linh bị ngã do Qua húc cùi chỏ kết hợp với đường trơn ướt.
Ngày 11/11, cơ quan công an đã xác định người quay clip và đăng tải lên mạng xã hội Facebook sự việc Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh té ngã khi làm việc với dân là Huỳnh Nhật Hào (trú thành phố Quy Nhơn).
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, về nguyên tắc, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Như vậy, công dân hoàn toàn có quyền được giám sát hoạt động của cán bộ nhà nước, trong đó có hoạt động công khai xử lý vi phạm của CSGT, kể cả được phép quay phim, ghi hình hoạt động của các tổ công tác.
Tuy nhiên, việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo không cản trở hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ.