Vốn vay ưu đãi đến với người nghèo vùng biên Ngọc Hồi, Kon Tum

Hàng ngàn hộ nghèo, khó khăn về vốn sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ nguồn vốn vay này, các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng được các mô hình làm kinh tế bền vững có hiệu quả kinh tế cao.

Thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, cải tạo vườn cây và phát triển các mô hình chăn nuôi, gia đình ông Bùi Quốc Hùng, người dân tộc Mường, sống tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum dù nhiều đất nhưng kinh tế vẫn không phát triển được. Năm 2003, gia đình ông tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hồi. Từ nguồn vốn vay này, gia đình trang trải chi phí học hành cho con và đầu tư mua bò để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, gia đình đầu tư phát triển vườn cây bằng các loại cây có giá trị kinh tế. Sau nhiều năm, gia đình ông đã có hơn 3.000 cây cà phê, thu nhập trung bình mỗi năm từ 150 - 170 triệu đồng.

Không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nguồn vốn vay ưu đãi còn góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông Phan Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: Qua các tổ chức hội đoàn, hầu hết các hộ nghèo trên địa bàn xã Đăk Kan đã tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện tổng dư nợ trên địa bàn xã hơn 51 tỷ với hơn 1.000 hộ được vay. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm, hiện chỉ còn 47 hộ (chiếm 3,19%), góp phần để xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Tỉnh Kon Tum là địa phương nghèo, thu ngân sách hàng năm còn gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn 100% hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo động lực để vươn lên thoát nghèo, phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum vẫn đảm bảo nguồn vốn vay về được với tất cả các hộ nghèo, hộ khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Đến nay sau 15 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt 2.072,1 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 2.055 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 17,1 tỷ đồng. Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ, cấp bù lãi suất đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, giảm bớt một phần khó khăn trong việc trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.


Để tiếp tục đưa nguồn vốn vay đến rộng rãi với tất cả người dân nghèo cần vốn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: Ngân hàng sẽ tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, củng cố chất lượng tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn, các điểm giao dịch tại xã. Đặc biệt, Ngân hàng sẽ lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các nguồn vồn khác nhằm đưa đến nguồn vốn vay tốt nhất cho người nghèo.

Quang Thái (TTXVN)
Hết lòng vì người nghèo miền cù lao đất mặn
Hết lòng vì người nghèo miền cù lao đất mặn

Đó là chị Lê Thị Túy Vân, cư ngụ tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông – huyện cù lao nhiễm mặn đầy khó khăn của tỉnh Tiền Giang- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Thạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN