Đàn dê của hộ gia đình chị Lê Thị Túy Vân, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Nam Thái/TTXVN |
Hằng ngày, trừ ngày chủ nhật, sáng nào chị cũng thức giấc từ rất sớm, lo nấu bữa cơm hay bữa cháo để phân phát cho học sinh nghèo trong huyện, giúp các em no bụng khi đến lớp.
Phụ giúp với chị Vân có vợ chồng người con trai là Trần Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Diễm Kiều, cùng với chị lo đun nấu rồi lại chở các phần cơm, cháo đến tận trường học phân phát cho các cháu. Ai cũng tích cực, vui vẻ và hạnh phúc với công việc vì người nghèo, vì đàn trẻ thơ xứ cù lao nhiễm mặn no bụng, vững bước đến trường chăm lo học hành cho một tương lai tươi sáng.
Huyện Tân Phú Đông gồm một chuỗi các cù lao nằm ở hạ lưu sông Tiền và kẹp giữa hai vàm cửa Tiểu - cửa Đại, có một mặt tiếp giáp Biển Đông. Đất nhiễm mặn 6 - 9 tháng trong năm tùy theo địa bàn, rồi đò giang cách trở, do đó buổi trưa học trò không thể về nhà mà ở luôn tại trường chuẩn bị cho buổi học chiều. Nhà nghèo, nhiều em phải cố nhịn đói chờ về nhà ăn cơm, sức khỏe do vậy không bảo đảm. Đã có trường hợp trẻ bị ngất xỉu phải đến trạm y tế cấp cứu. Cảm thông với những đứa trẻ vất vả trên nẻo đường đến lớp, năm 2014 chị đề xuất và được chính quyền cho phép nấu cơm từ thiện, giúp các cháu có bữa trưa no bụng. Ban đầu, chị vận động bà con trong xã, các nhà hảo tâm ai có gì góp nấy từ gạo thóc, mắm muối, nước tương, rau tươi cho tới tiền mặt…, chị góp thêm tiền của, củi, chất đốt và lo việc nấu cơm miễn phí cho các học sinh 3 trường phổ thông tại xã Phú Thạnh. Thời kỳ đầu, chị nấu và cung ứng mỗi ngày khoảng 50 suất cơm từ thiện miễn phí cho các cháu.
Việc làm có ý nghĩa nhân đạo cao cả, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái nên được bà con và chính quyền địa phương ủng hộ. Tình thương ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ. Các vị phụ huynh, nhà hảo tâm, cả hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, cán bộ ngành y tế… huyện Tân Phú Đông đã cùng chung tay với chị không chỉ duy trì bếp ăn từ thiện cho học sinh nghèo huyện cù lao, mà còn mở rộng quy mô suất ăn.
Ông Trần Quang Kiệt, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Thạnh và là thành viên nòng cốt trong việc duy trì bếp ăn cho biết: Từ hạt nhân là chị Vân, đến nay đã hình thành nhóm 15 người thay phiên nhau nấu cơm từ thiện do chị làm tổ trưởng. Tổ phân công mỗi ngày 5 – 6 người phụ trách những phần công việc cụ thể. Từ chỗ nấu 50 suất/ngày, nay nâng lên mỗi ngày 400 suất cơm miễn phí cho các học sinh phổ thông nghèo. Ngoài ra, hàng tuần chị Vân còn dành hai ngày nấu thêm 400 suất cháo/ngày cung cấp cho các cháu mầm non và mẫu giáo xã Phú Thạnh.
Từ khi khai trương vào năm 2014 đến nay, bếp ăn từ thiện đã nhận được sự tài trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm khoảng 700 triệu đồng chưa kể phần đóng góp của gia đình chị Vân; cung cấp khoảng 72.000 suất cơm, 36.000 suất cháo cho các cháu.
Em Nguyễn Thị Phương Ngọc, học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Thạnh, nhà ở tận xã cù lao Tân Thạnh cách trường gần chục km cho biết, trưa nào em cũng nhận một suất cơm từ thiện. Ngọc bày tỏ tình cảm chân thành biết ơn cô Vân và những cô chú phụ trách bếp ăn. Em hứa chăm ngoan, nỗ lực học tập để xứng đáng với công ơn của cha mẹ, thầy cô và các cô chú tiếp sức giúp em vượt khó đến trường.
Chị Túy Vân chia sẻ: Dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng cảm thông với hoàn cảnh của học trò nghèo vùng cù lao nhiễm mặn, tôi cố gắng trong khả năng của mình cũng như vận động bà con cùng chung sức hỗ trợ các cháu. Mới đây, cùng với nguồn tài trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã đóng góp để xây dựng nhà nấu ăn khang trang, sạch đẹp, hợp vệ sinh, trị giá gần 90 triệu đồng.
Không chỉ khởi xướng và làm đầu tàu trong việc nấu cơm từ thiện miễn phí phục vụ học sinh nghèo miền đất cù lao nhiễm mặn, chị Vân còn có nhiều việc làm tích cực, giúp đỡ hộ nghèo theo tinh thần học tập và làm theo lời Bác. Tham gia Hội Chữ thập đỏ xã Phú Thạnh, từ năm 2011-2017, chị đã vận động hiến được 20 đơn vị máu, trợ giúp trên 2.000 hộ nghèo với tổng số tiền trên 600 triệu đồng, vận động xây cất 1 căn nhà tình thương trị giá 35 triệu đồng, vận động góp 20 triệu đồng bắc cầu dân sinh. Bản thân chị, trung bình mỗi tháng góp khoảng 5 triệu đồng để duy trì bếp cơm từ thiện cũng như công tác nhân đạo, từ thiện, xã hội tại xã Phú Thạnh.
Với những thành tích trong công tác nhân đạo, từ thiện, năm 2017, chị Lê Thị Túy Vân vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; năm 2016, chị được tuyên dương là điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Tiền Giang.