Mức nước trên sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa đang lên cao (Ảnh chụp lúc 18 giờ, ngày 28/10). Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN |
Trong đó có 19 đoạn bị vỡ với tổng chiều dài 87 mét và 11 đoạn bị tràn với chiều dài hơn 1.500 mét. Các địa phương bị ảnh hưởng triều cường vỡ tràn đê bao chủ yếu tập trung ở các xã Đại Ân 1, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông và xã An Thạnh Nhì.
Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Ân I cho biết: Triều cường đêm 27 rạng sáng 28/10 dâng rất cao làm sạt lở và vỡ 10 đoạn bờ bao gây ảnh hưởng trên 50ha hoa màu, thủy sản và có khả năng giảm năng suất mía của bà con. Ngoài ra còn có nhiều đoạn đê bao bị tràn làm nước ngập hàng chục ha mía, màu và nhà cửa của các hộ dân.
Mặc dù trước mùa mưa bão năm nào huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng gia cố hàng trăm công trình bờ bao xung yếu với tổng kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng do yếu tố địa chất đất nơi đây mềm yếu và một số đoạn bờ câu, bờ bao chưa được thi công hoàn chỉnh nên sự cố vỡ, sụt lở bờ bao vào mùa mưa bão, triều cường vẫn thường xuyên xảy ra.
Để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của bà con, chính quyền địa phương huy động lực lượng thường trực, dân quân tự vệ khắc phục ngay trong ngày 28/10 được 6 đoạn, còn một số đoạn bị vỡ lớn, sâu phải khắc phục bằng cơ giới mới đảm bảo. Địa phương đang đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, tỉnh hỗ trợ cơ giới để khắc phục.
Theo ông Hồ Thanh Kiệt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung: Triều cường năm nay dâng rất cao so với trung bình nhiều năm. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện sẽ tiếp tục triển khai gia cố các đoạn bị vỡ, và tổ chức giám sát chất lượng các công trình... để ổn định sản xuất của bà con nhân dân.
Trong một- hai ngày tới triều cường có thể còn dâng cao hơn nữa, vì vậy, bà con cầb thường xuyên kiểm tra bờ bao, đê bao và kịp thời bồi trúc những đoạn đê bao xung yếu để giảm bới thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện nay chưa có số liệu thống kê thiệt hại cụ thể của cả huyện, nhưng nếu tình trạng ngập lụt kéo dài thì chắc chắn sẽ thiệt hại nặng hơn.
* Đỉnh triều trên sông Đồng Nai vượt mức báo động II trong hai ngày tới
Theo kết quả quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp gió mùa Tây Nam, lúc 18 giờ ngày 28/10, đỉnh triều trên sông Đồng Nai tại trạm Biên Hòa (thành phố Biên Hòa) đạt 1,46m xấp xỉ mức báo động 1.
Đỉnh triều xuất hiện vào chiều tối 28/10 thấp hơn đỉnh triều ngày 27/10 khi mực nước tại trạm Biên Hòa đo được là 1,77m, xấp xỉ mức báo động II là 0,23m. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, trong hai ngày tới đỉnh triều sẽ đạt 1,87m vào ngày 29/10 và 1,83m vào ngày 30/10 vượt mức báo động II. Thời gian xuất hiện đỉnh triều có thể vào lúc 20 giờ và 21 giờ, các ngày 29 và 30/10.
Kết quả đo được tại trạm Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai) trên sông Đồng Nai cho thấy, mực nước xấp xỉ mức báo động I. Dự báo trong hai ngày tới, mực nước sông Đồng Nai tại trạm Tà Lài vẫn xấp xỉ mức báo động I và không dâng cao thêm.
Hiện nay, mực nước về hồ Trị An trên thượng nguồn sông Đồng Nai là 454m3/s. Do hồ Trị An vẫn chưa tích đầy nước, do đó, hiện Nhà máy thủy điện Trị An cũng mới chỉ vận hành lượng nước qua tua-bin là 300m3/s và chưa cần phải xả tràn qua đập xả. Do đó, dự báo sẽ không xảy ra tình trạng ngập úng ở vùng hạ lưu đập thủy điện Trị An trong những ngày tới.
Theo dự báo, với đỉnh triều vượt mức báo động II trong hai ngày tới, một số vùng hạ lưu sông Đồng Nai tại khu vực Long Thành, Biên Hòa khả năng sẽ có ngập nhẹ.