Đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch, chính quyền xã Bắc Trạch và nhân dân đang khẩn trương khắc phục, gia cố tạm thời sự cố đê vỡ. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Tuyến đê ngăn mặn xã Bắc Trạch có chiều dài 1.300m, được xây dựng từ năm 2015 từ nguồn vốn Trung ương. Đây là tuyến đê xung yếu ngăn mặn liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của các xã vùng ngoài huyện Bố Trạch như Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch và Thanh Trạch. Tuyến đê ngăn mặn bị vỡ gây nguy hại đến các hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều hộ dân tại đây hoang mang, lo lắng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Bố Trạch và chính quyền xã Bắc Trạch trực tiếp có mặt tại vị trí đê vỡ, chỉ đạo và cùng nhân dân tham gia khắc phục. Sự cố đê vỡ hiện chưa có thiệt hại nào đáng kể về người và của. Để khắc phục, gia cố tạm thời sự cố tuyến đê ngăn mặn tại xã Bắc Trạch bị vỡ và chuẩn bị ứng phó với bão số 7 sắp tới, huyện Bố Trạch khẩn trương thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; hỗ trợ chính quyền địa phương, cấp vật tư và huy động nhân lực tham gia thực hiện nhằm ngăn dòng chảy nước mặn, tránh xâm thực đến thượng nguồn và gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân xã Bắc Trạch và Hạ Trạch. Huyện Bố Trạch đã cấp hơn 2.000 bao tải đựng cát và thuê nhân công, xe tải chở cát, sử dụng cộc tre, đá... để sớm khắc phục sự cố. Công tác gia cố, khắc phục tạm thời đang được khẩn trương thực hiện.
Tuyến đê ngăn mặn tại xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị vỡ tràn tại vị trí cống 4 cửa xã Bắc Trạch. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tuyến đê kè kiêm đường dẫn trừ trung tâm xã ra khu giãn dân thôn Tân Lộc (xã Cam Thủy) có nguy cơ bị vỡ. Theo ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cam Thủy, mưa lớn những ngày qua đã gây xói lỡ và làm vỡ 60m bê tông phần hạ lưu và 30m2 phần chân thềm bê tông của tuyến đê kè này, khả năng bị vỡ là rất lớn. Tuyến đê kè này có vị trí rất quan trọng, đây là con đường độc đạo nối giữa thôn Tân Lộc - Trung tâm xã. Nếu tuyến kè này bị vỡ sẽ thiệt hại nghiêm trọng, gây cô lập gần 100 hộ dân, nước tràn về sẽ lấp ruộng đồng, hoa màu của nhân dân. Địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ tuyến kè này. Ông Nguyễn Bá Trọng cho biết thêm, trận mưa lớn lịch sử vừa qua đã khiến hơn 800 hộ dân bị ngập; 38ha ao hồ bị tràn, 68ha ràu màu bị ngập úng, hư hại, hàng ngàn gia cầm bị chết và cuốn trôi...
Trận mưa lớn lịch sử từ ngày 13 đến 15/10 đã khiến nhiều hệ thống đê kè, kênh mương thủy lợi trên địa bàn Quảng Bình bị thiệt hại nặng. Đặc biệt là tại huyện Lệ Thủy, mưa lũ đã làm hư hỏng 30km kênh mương, khối lượng đê bao bị sạt lở 3000m3 và khe cát bị vùi lấp là 20000m3; huyện Minh Hóa đập Trầm (xã Hồng Hóa) bị vỡ, gây hư hỏng 30m kênh mương. Hồ cây Trâm (xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hóa) cũng bị tràn, ống bị trôi, kênh mương bị vùi lấp hư hỏng nặng...
Tính đến sáng 16/10, tỉnh Quảng Bình đã có 9 người chết, 3 người mất tích và 13 người bị thương; hơn 71.250 hộ bị ngập, tốc mái; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hệ thống giao thông bị ngập sâu và chia cách ở nhiều nơi; có 15 tàu cá bị chìm, 3 tàu mất tích, 26 tàu bị trôi dạt ra và mắc cạn...
Tỉnh Quảng Bình đã dừng toàn bộ các hội nghị, công việc khác để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ và bão số 7. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và hàng chục phương tiện đã đến các vùng ngập lụt nặng để sơ tán dân, cứu trợ mì tôm, nước uống cho nhân dân. Để khắc phục hậu quả thiên tại, trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, lại vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tỉnh Quảng Bình kính đề nghị Chính phủ hỗ trợ cứu đói 5.000 tấn gạo, 250 tỷ đồng, giống các loại cây trồng, thuốc xử lý môi trường và nước sinh hoạt…
Hiện trên địa bàn, mưa đã giảm hẳn, nước ngập nhiều nơi đang có dấu hiệu rút dần. Công tác phòng chống bão lũ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện.