Tả Củ Tỷ là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, một trong 2 xã xa nhất của huyện Bắc Hà (Lào Cai) với địa hình hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt… Nhưng ở nơi đó có những người thầy, cô giáo trẻ từ miền xuôi lên vẫn kiên trì bám trụ "gieo" chữ trong đó có vợ chồng thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải - Trần Thị Thủy…
Tình yêu chắp cánh
Phải mất gần hai tiếng đồng hồ chạy xe, qua những cung đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, nằm chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu, tôi mới đến được Tả Củ Tỷ gặp người thầy đáng vinh danh này.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1979 tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, trong một gia đình thuần nông. Sau khi học hết lớp 12, anh Hải lên Bắc Hà học lớp giáo dục 12 +1 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bắc Hà, khóa học 1996 - 1998. Tại lớp học này, anh đã gặp và yêu chị Trần Thị Thủy, học cùng trường, sinh năm 1980, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp, anh Hải viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học và được phân công về "cắm bản" tại thôn Sông Lẫm - thôn xa nhất của xã Tả Củ Tỷ.
Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải. |
Thầy giáo Hải kể về những kỷ niệm từ ngày đầu lên vùng cao Tả Củ Tỷ dạy học: "Lúc đầu mình cũng lo lắng, vì hồi đó vùng đất này hoàn toàn xa lạ, đường sá khó khăn, nguy hiểm. 6 giờ sáng từ trung tâm huyện đi xe ôm đến Lùng Phình, sau đó phải cuốc bộ, vượt qua đồi núi đến 5 giờ chiều mới tới nơi, bản làng heo hút, nghèo nàn, không điện, điều kiện sống hết sức khó khăn. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi: Phân hiệu trường học chỉ là một căn lều tạm bợ, mái lá, vách nứa đã tả tơi, những em học sinh trông rất thương, ăn mặc mỏng manh trong cái rét mùa đông, tóc rối bù, mặt mũi nhọ nhem. Mình đã tự tay cắt tóc, vệ sinh cho các em sạch sẽ và đến từng nhà dân trong thôn làm quen. Thấy người Nùng trong thôn hiền lành, chân chất, mình thêm yêu quý mảnh đất này. Vào ngày mùa hoặc thứ 7, chủ nhật được nghỉ dạy, mình vào thôn Sông Lẫm giúp bà con thu hoạch ngô, lúa, cấy hái. Biết mình là con nhà nông, lại chăm lo cho các em học sinh, nên nhà nào cũng yêu quý và cho con em đi học đầy đủ. Buổi tối, trong căn lều nhỏ tạm bợ dù mùa đông hay mùa hè, bà con vẫn tích cực đến học xóa mù chữ, mình cũng vui hơn và thêm nhiệt huyết gắn bó dạy học ở Tả Củ Tỷ".
Đến năm 1999, chị Thủy, theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp gian khó, cũng tình nguyện lên Tả Củ Tỷ dạy học và 2 người đã kết duyên vợ chồng cùng năm đó. Những năm đầu "cắm bản" dạy học của đôi vợ chồng trẻ đầy khó khăn. Anh Hải phải đưa chị Thủy về quê vợ ở Thái Bình sinh con đầu lòng. Ngày con ra đời, anh Hải vẫn ở Tả Củ Tỷ dạy học và không biết con mình là trai hay gái, sinh ngày nào… Hai tháng sau, anh xin phép về quê ngoại đón vợ và con lên Tả Củ Tỷ, cuộc sống của cặp vợ chồng càng thêm vất vả, song họ vẫn vượt qua và gắn bó với vùng cao này.
Ông Lù Xuân Quang, dân tộc Nùng ở bản Sông Lẫm, già làng uy tín nhất Tả Củ Tỷ, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tả Củ Tỷ nhớ lại: "Lúc đó vợ chồng anh Hải thuê một túp lều của nhà dân ở gần trường học, cũng gần với nhà tôi, cháu bé được 4 tháng tuổi bị ốm nặng, nguy kịch, anh Hải đã phải bồng con chạy bộ vượt qua đồi núi mấy tiếng đồng hồ ra Lùng Phình, sau đó thuê xe ôm đưa con về bệnh viện huyện chữa trị một tuần mới khỏi. Ở Tả Củ Tỷ khí hậu khắc nghiệt, không có điện, mọi điều kiện sống khó khăn, đặc biệt là đối với người từ xuôi lên, vậy mà hơn chục năm qua, vợ chồng anh Hải vẫn kiên trì bám trụ, gắn bó với bà con dân bản, nhiệt tình xóa mù chữ cho bà con, dạy con em ở đây, nên mình và bà con trong thôn rất tin yêu, biết ơn vợ chồng thầy Hải".
Và công thành danh toại…
Năm 2000, với những thành tích đóng góp trong công tác phổ cập xóa mù chữ, xã Tả Củ Tỷ được công nhận hoàn thành xóa mù chữ, anh Hải được kết nạp vào Đảng. Với ý thức trách nhiệm của đảng viên, anh Hải động viên vợ con cùng đồng nghiệp kiên trì, tích cực thi đua dạy học, cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người".
Học trò của cô giáo Trần Thị Thủy. |
Đến năm 2004, anh Hải được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng, rồi quyền Hiệu trưởng trường tiểu học của xã và cũng trong thời gian đó, nhà trường đang phấn đấu mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2005. Anh Hải tâm sự: "Khi ấy mình cũng lo lắng lắm vì mới tiếp nhận nhiệm vụ trong khi mỗi phân hiệu chỉ có từ 1 - 2 giáo viên tiểu học, ở một số bản, đời sống bà con còn khó khăn, dân trí thấp, vào mùa vụ, các em học sinh vẫn còn bỏ học ở nhà làm… Nhiệm vụ khó khăn, song tập thể giáo viên nhà trường đoàn kết vì mọi người đều từ miền xuôi lên đây dạy học, sống với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ niềm vui, khó khăn, vất vả nên khi triển khai nhiệm vụ này, tất cả các thầy, cô giáo đều hưởng ứng tích cực.
Anh Hải đã đưa ra sáng kiến là trong thời gian mùa vụ, 100% thầy, cô giáo nếu không bận việc riêng, thứ bảy, chủ nhật đều tổ chức thành đoàn xuống thôn giúp dân… Bên cạnh đó, trong thời gian này, chính quyền cũng rất quan tâm phối hợp trong công tác vận động, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường… nên đến cuối năm 2005, nhà trường đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Phát huy thành tích đạt được, Trường Tiểu học xã Tả Củ Tỷ do anh Hải quản lý đã phấn đấu xây dựng và đạt Trường chuẩn quốc gia cấp độ 1 vào năm 2010. Với những thành tích, cống hiến của mình, tháng 5/2010, tại Đại hội Đảng bộ xã Tả Củ Tỷ, nhiệm kỳ 2010 - 2015, anh Hải đã được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Củ Tỷ.
Trong cương vị công tác mới, anh Hải luôn tích cực học tập, học hỏi, đóng góp công sức của mình trong công tác xây dựng Đảng, các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng địa phương, đặc biệt là tham mưu cho chính quyền những ý kiến, biện pháp hay trong công tác phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.
Đã 13 năm trôi qua kể từ ngày thầy giáo Hải và người vợ trẻ gắn bó với vùng cao Tả Củ Tỷ. Có lẽ chính tấm gương vợ chồng anh Hải mà hiện nay trong tổng số 46 cán bộ quản lý, giáo viên của 3 cấp học là trung học cơ sở, tiểu học và mầm non ở địa bàn xã đã có 13 cặp vợ chồng xây dựng hạnh phúc nơi rẻo cao này.
Họ đã và đang vượt qua khó khăn, vất vả, sống gắn bó, âm thầm, miệt mài "gieo" chữ nơi vùng cao Tả Củ Tỷ, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao Bắc Hà.
Linh Anh- Trung Kiên