Bắt đầu từ tháng 8, một số bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện thuộc Bộ Y tế áp dụng mức viện phí mới. Người bệnh lại thêm lo lắng, nhất là những bệnh nhân nghèo; trong khi ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang phải tính toán lại để làm sao có thể cân bằng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).
Giá thuốc tăng đều
Với mức viện phí cũ, nhiều bệnh nhân nghèo đã không tự chi trả nổi, nếu áp dụng mức viện phí mới, gánh nặng chi phí lên người bệnh sẽ càng tăng, bởi giá viện phí mà các tỉnh đưa ra hiện nay đều tăng từ 70 - 90% so với trước. Trong khi đó, đa số các dịch vụ thông dụng lại có mức tăng cao hơn so với các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay của người bệnh là giá viện phí tăng nhưng liệu người bệnh có được hưởng chất lượng tăng tương xứng hay không. Chị Nguyễn Thị Thoa, ngụ Bình Dương đến khám tại bệnh viện nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sức khỏe của con người là quý giá nhất. Tuy nhiên, đối với những người nghèo thì gánh nặng về kinh tế là vấn đề không nhỏ. Do đó, nhiều người nghèo chỉ khi nào bệnh trở nặng thì mới dám tới bệnh viện khám”.
Tăng viện phí, người bệnh và BHYT tăng thêm gánh nặng. |
Trong khi giá viện phí sắp sửa tăng, thì từ đầu năm đến nay người bệnh còn phải chịu thêm gánh nặng về giá thuốc tăng liên tục. Theo khảo sát của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, hầu như tháng nào cũng có vài chục mặt hàng thuốc được điều chỉnh tăng giá từ 10-20%. Còn theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ chuyên kinh doanh sỉ và lẻ tân dược (đường Tô Hiến Thành - quận 10, TP Hồ Chí Minh), đa số các chủ cửa hàng đều cho rằng một số loại thuốc hiện đang tăng giá trung bình từ 10-15%.
Chị Phạm Thị Kính (Bình Dương) đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Cùng một loại thuốc nhưng giá trong bệnh viện so với bên ngoài lại khác nhau và giá giữa các nhà thuốc bên ngoài cũng khác nhau. Ví dụ tôi mua thuốc FosMax chống loãng xương với giá 92.500 đồng/viên ở nhà thuốc bệnh viện nhưng ra ngoài giá lên đến 95.000 đồng/viên. Tương tự, thuốc Arimedex điều trị ung thư vú 76.000 đồng/viên nhưng mua ở ngoài giá 80.000 đồng/viên…”.
Một dược sỹ tại nhà thuốc B.Q (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện một số loại thuốc do khan hiếm nên người bán tự đẩy giá lên cao; hoặc khi hết chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất, người bán sẽ bán với giá thuốc mới cao hơn giá cũ”.
Theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, trong tháng qua, giá một số mặt hàng dược có sự điều chỉnh tăng, theo đó thuốc nội tăng với tỷ lệ trung bình khoảng 9,4%, thuốc nhập ngoại tăng với tỷ lệ trung bình khoảng 6,4%.
Dự báo trong tháng tới, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và tỷ giá đồng đôla Mỹ/euro. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ do giá nhập khẩu và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.
Tăng gánh nặng BHXH
Tăng viện phí giúp các bệnh viện tăng thêm nguồn thu và cũng nhằm giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, tăng viện phí như thế nào cho phù hợp với từng địa phương thì cần phải có sự tính toán rất kỹ.
Cách xây dựng khung giá viện phí mới tại TP.HCM là thống kê những vật tư đã dùng trong 6 tháng vừa qua so với khung giá Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM - sau khi thống kê thử vài vật tư tiêu hao, giữa kết quả tính so với khung giá của Bộ Y tế thì cách nhau quá xa. Đến nay thành phố vẫn chưa thể xây dựng xong khung giá viện phí mới, chính vì vậy thành phố vẫn chưa thể áp dụng cách tính viện phí mới từ tháng 8 này.
Như vậy, việc TP.HCM chưa tăng viện phí nhưng các tỉnh lân cận đã tăng khiến các nhà chuyên môn lo lắng, bởi rất có thể lượng bệnh nhân ở các tỉnh sẽ lại đổ dồn về thành phố để khám và điều trị. Do đó sẽ góp phần làm cho các bệnh viện của thành phố vốn đã quá tải nay lại càng thêm quá tải.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế một số tỉnh, việc người dân lên thành phố khám và điều trị bệnh là do ở thành phố có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại và bác sỹ có tay nghề cao. Bởi vậy, tăng viện phí sẽ giúp cho các bệnh viện tỉnh có thêm nguồn kinh phí để đầu tư thêm trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh cũng sẽ dần được nâng cao và tạo được sự tin tưởng của người bệnh, khi đó, có thể còn giúp giảm tải cho các bệnh viện thành phố.
Chị Cao Thị Hồng - quê Bến Tre, đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Khám và điều trị bệnh thì phải lựa bệnh viện nào tốt để khám chứ không phải lựa chọn bệnh viện nào rẻ. Nếu ở các bệnh viện tuyến tỉnh có đầy đủ máy móc và bác sỹ giỏi giống ở thành phố thì những bệnh nhân như chúng tôi cũng không cần lên thành phố để khám. Bởi chi phí đi lại, ăn ở còn tốn kém gấp mấy lần tiền khám và điều trị bệnh”.
Ở một khía cạnh khác, giá dịch vụ y tế mới được áp dụng tại nhiều địa phương với mức tăng cao sẽ khiến cho quỹ BHYT bị mất cân đối. Ông Cao Văn Sang cho rằng, đa số những người đóng BHYT tự nguyện khi có bệnh họ mới bắt đầu tham gia BHYT và đóng với mức thấp nhất. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, chỉ cần có thẻ BHYT là họ có thể được hưởng BHYT mà không cần có thời gian tham gia, tích lũy. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện vẫn lạm dụng thuốc đắt tiền điều trị bệnh cho bệnh nhân. Điều này, không chỉ thêm gánh nặng cho bệnh nhân mà còn cho cả BHXH.
Hoàng Tuyết - Đan Phương thực hiện