Trong cả 2 văn bản pháp quy mới nhất và có hiệu lực cao nhất hiện nay trong lĩnh vực “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” là Nghị định 79/2012/NĐ - CP của Chính phủ (ban hành ngày 5/10/2012) và Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL của Bộ VH, TT&DL, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP… đều không có một dòng nào nói về trách nhiệm của Hoa hậu sau khi đăng quang. Thật sự đây là một “lỗ hổng” lớn, như khẳng định của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL.
Hoa hậu biển 2010 Nguyễn Thị Loan cùng các sinh viên tình nguyện tham gia chương trình "Mầm xanh bảo vệ đại dương xanh". |
Nghị định 79 dành hẳn chương 3 cho phần “Thi người đẹp và người mẫu”, trong đó quy định rõ đối tượng tổ chức thi người đẹp và người mẫu; tên gọi và số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước; điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước; thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu; điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Những quy định này đều khá chi tiết, cụ thể.
Và Thông tư 03/2013/TT - BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ - CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ký ban hành ngày 28/1/2013 “quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”, cũng đã có 4 điều cho việc hướng dẫn tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu như: Điều 6 quy định về điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp là thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên, không qua thẩm mỹ; Điều 7 quy định về Đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, Điều 8 quy định về Ban Giám khảo, và Điều 9 quy định về danh hiệu chính của cuộc thi. Các quy định cũng khá rõ ràng và chi tiết.
Nhưng quả thật, đọc kỹ cả 2 văn bản này cũng không có một dòng nào nhắc về trách nhiệm của Hoa hậu, Á hậu, người đẹp… sau khi đăng quang; cũng không có một dòng nào về chế tài xử lý đối với Hoa hậu, Á hậu, người đẹp… có vi phạm sau khi đăng quang nói chung.
Trong khi được đặt chân đến sân khấu Miss World là ước mơ của hàng triệu cô gái trên khắp thế giới, thì các Hoa hậu Việt Nam như Ngọc Hân, Thu Thảo tỏ ra không mặn mà và cũng không coi đó là trách nhiệm của mình. Mới đây nhất, Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo đã từ chối là đại diện Việt Nam tham dự Miss World 2013 với lý do vì chưa có sự chuẩn bị thật tốt. Và như vậy, đã 7 năm liên tiếp Việt Nam không có đại diện tại “Miss World 2013”, trong khi trên thực tế, mỗi năm chúng ta đều có rất nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Thông tư 03 quy định: Mỗi năm sẽ có không quá 2 cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc; 3 cuộc thi vùng, ngành, đoàn thể trung ương; 1 cuộc thi cấp tỉnh. Còn đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định. Vậy tại sao chúng ta không có người đẹp để đi thi thế giới, phải chăng bởi trách nhiệm của Hoa hậu, người đẹp với xã hội, với đất nước còn quá kém và chưa có ai quản lý? |
Trên thực tế lâu nay, BTC các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu đều phải tự soạn thảo một quy định, quy chế riêng của mình để “ràng buộc” trách nhiệm xã hội của thí sinh, yêu cầu thí sinh đảm bảo “đạo đức, thuần phong mỹ tục, không chụp ảnh nude…”. Và trong những trường hợp cần tước danh hiệu, xử phạt các Hoa hậu, người đẹp, cũng là BTC căn cứ quy định của mình để đưa đề xuất lên Bộ.
“Những văn bản, quy định của các BTC thực ra chưa phải là văn bản có tính chất pháp lý cao nhất, mà bản thân Bộ cần phải sớm có một quy định, chế tài đối với việc xử lý những vi phạm của Hoa hậu, người đẹp; để từ nay các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp, người mẫu… có thể căn cứ vào đó để xử lý những sai phạm của Hoa hậu. Chúng tôi đã đề nghị Cục NTBD trong tính toán lâu dài của mình cần phải sớm điều chỉnh Thông tư 03, làm sao nêu được nội dung đó, thì mới có cơ sở pháp lý để sau này thực hiện được. Việc này cần phải làm thật sớm, để có chế tài cho các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định.
Rõ ràng, việc không có một văn bản pháp quy về vấn đề trách nhiệm của Hoa hậu, việc xử lý những sai phạm của Hoa hậu, người đẹp… đã dẫn tới tình trạng “vô trách nhiệm” với xã hội như lâu nay của Hoa hậu, người đẹp. “Lỗ hổng” này có trách nhiệm của những người làm luật, đã không sớm “lường trước” được sự diễn biến rất nhanh của lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu. Nhưng, muộn còn hơn không, việc điều chỉnh Thông tư 03 cần sớm được thực hiện, để “danh chính, ngôn thuận” hơn trong việc xử lý những sai phạm của Hoa hậu, người đẹp; nhằm lập lại “ trật tự” trong lĩnh vực này.
T.Anh