Tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam nổi bật trên cả 5 lĩnh vực chính: Tài nguyên, vận tải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch và các khu kinh tế ven biển. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII đã xác định mục tiêu: "Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển". Đây cùng là khát vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam, vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Tiềm năng kinh tế biển nổi bật
Vùng ven bờ nước ta có tổng số 48 vũng, vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000 km2, phân bố từ Bắc vào Nam. Trong đó, vùng Nam Trung Bộ có nhiều nhất (31 vũng, vịnh), chiếm 64,6% tổng số vũng, vịnh cả nước. Tiếp đến là vùng Bắc Bộ (7 vũng vịnh), chiếm 14,6%, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cùng có 5 vũng, vịnh, chiếm 10,4%. Nhiều vũng, vịnh tương đối sâu và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền. Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới, với hơn 45% lượng vận tải thương mại đường biển toàn cầu phải đi qua.
Về nguồn lợi hải sản, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu. Đến nay, vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 12.000 loài sinh vật với trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế. Trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn. Sản lượng cho phép khai thác khoảng 1,7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn nhiều nguồn lợi hải sản khác với khoảng 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50-60 nghìn tấn/năm, trong đó hải sản có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm, tôm mũ ni, cua, ghẹ; khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó có các loài có giá trị kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc (cho phép khai thác 60-70 nghìn tấn/năm)…
Về du lịch, không những sở hữu bờ biển dài tới 3.260 km, cùng hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam còn có những bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới, như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng... Vì thế, chỉ riêng 28 tỉnh, thành phố giáp biển luôn chiếm tỷ trọng trên 70% doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.
Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn, hạt nhân phát triển kinh tế ven biển, hàng năm đóng góp từ 10-13% GDP cả nước, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Theo tổng kết 10 năm (2008-2017) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2017, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân cả nước là 53,5 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa-Vũng Tàu (hơn 225 triệu đồng), Quảng Ninh (hơn 90 triệu đồng), Đà Nẵng (hơn 70 triệu đồng).
Đưa Việt Nam thành quốc gia biển mạnh
Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh được xác định rõ tại Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó ghi rõ: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.
Đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề cập tới vai trò của quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Theo ông, tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên cùng một vùng biển. Do đó, “phương thức quản lý tổng hợp có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ, hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Với cách tiếp cận cả từ lợi thế và hạn chế của kinh tế biển, một số chuyên gia cho rằng, cần xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế hướng tới nền kinh tế biển xanh, bằng cách xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật để đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích.
Trên thực tế, những năm gần đây, các địa phương ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Hiện cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển gần 845.000 ha. Đến cuối năm 2017, các khu kinh tế ven biển đã thu hút hơn 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 45,5 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 26,5 tỷ USD và 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 323,6 nghìn tỷ đồng. Một số khu kinh tế như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất... đã thu hút được những dự án đầu tư lớn, có vai trò quan trọng tăng cường năng lực sản xuất ngành công nghiệp cả nước, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy nhiều ngành khác phát triển.
Cùng với các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng nhanh và liên tục. Từ năm 2006 đến 2017, sản lượng tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,2 triệu tấn. Năm 2018, theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 3,59 triệu tấn, trong đó khai thác biển đạt trên 3,37 triệu tấn. 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 1,88 triệu tấn (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó khai thác biển đạt trên 1,79 triệu tấn. Đến nay, toàn quốc có gần 96,6 nghìn tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Cả nước có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản có quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU...).
Theo mục tiêu Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII đã đề ra, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65%-70% GDP cả nước. Để hoàn thành mục tiêu đó, Nghị quyết xác định 3 khâu đột phá và 7 giải pháp chủ yếu, nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển; hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng an ninh, thực thi pháp luật trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế về biển; huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh...
Truyền thuyết Cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển đã phản ánh không gian sinh tồn của người Việt từ ngàn đời. Biển là nguồn sống của các thế hệ người Việt Nam. Với quyết tâm lớn và tầm nhìn chiến lược, sự đồng sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ từng bước vươn lên trở thành quốc gia biển mạnh giàu, bền vững, thịnh vượng./.
Bài cuối: Điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển