Tiện ích từ vé tàu điện tử
Sau 2 tháng triển khai bán vé tàu Tết qua mạng, ngành Đường sắt cho biết, 88% vé tàu dịp cao điểm, tương đương 245.000 vé tàu đã được bán ra để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính nhờ triển khai hình thức bán vé tàu qua mạng mà thời điểm này, tại các nhà ga lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã không còn cảnh người dân phải chen chúc xếp hàng để mua vé như mọi năm.
Bà Dương Kim Chi, ở quận 11 chia sẻ: “Tôi mua vé đi Hà Nội ngày 4/2/2016, ngay ngày đầu mở bán. Tôi truy cập vào website bán vé tàu và điền đủ thông tin, chỉ mất vài phút đã đăng ký thành công. Sau đó, ra các điểm thu hộ để đóng tiền, in vé, rất thuận lợi. Với việc cho phép lấy vé sau khi đăng ký thành công tại các điểm thu hộ đã giúp người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức...”.
Hành khách mua vé tàu điện tử tại ga Sài Gòn. |
Anh Đinh Phú Lộc, quê ở Quãng Ngãi cũng cho biết: “Ngày 8/12, tôi ra ga Sài Gòn lấy số thứ tự và chờ đến lượt mua vé tàu. Lúc đầu tôi cũng sợ phải chờ lâu nhưng thực tế thì không phải là vậy. Bây giờ đến ga mua vé rất đơn giản, không còn cảnh nhộn nhạo, đông đúc như trước đây”.
Còn chị Dương Thu Hà, ở Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, cứ đến khoảng trung tuần tháng 12 hàng năm, gia đình đều phải cắt cử người ra ga xếp hàng mua vé đi Huế, mất nhiều thời gian. Nhiều lần, “cò vé” gạ mua, đắt hơn một chút vẫn “tặc lưỡi” mua cho xong để đỡ phải vạ vật xếp hàng. Nhưng năm nay, nhờ nhà tàu bán vé điện tử, tôi ở nhà đặt vé qua mạng, rất nhanh chóng, tiện lợi, không sợ vé giả và bị cò vé làm phiền”...
Chia sẻ về những tiện ích mang đến cho người dân, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT), đơn vị hỗ trợ công nghệ cho ngành Đường sắt khẳng định: Từ ngày 1/10, việc bán vé tàu điện tử đã diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Đến hết tháng 11/2015, đã có 244.000 vé bán thành công, trong đó có 83.000 vé đi từ 25/1 - 25/2/2016 bán tại ga, 150.000 vé mua online, thanh toán trực tuyến hoặc qua các điểm dịch vụ thu hộ. Hệ thống bán vé tàu điện tử khắc phục hết các lỗi bán vé của những năm trước như tình trạng trùng chỗ, mất chỗ khi chuyển đổi hình thức thanh toán và chặn các nguy cơ vé giả, đầu cơ vé.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với hệ thống vé tàu điện tử, hành khách có thể tự in thẻ lên tàu ở bất cứ đâu sau khi đặt vé thành công và chỉ cần mang thẻ này khi lên tàu đối chiếu với vé đặt. Khi đó, nhà tàu không chỉ đối chiếu thông tin cá nhân hành khách trên thẻ với giấy tờ tùy thân, mà còn qua sơ đồ chỗ trên toa xe (hành khách nào ở chỗ nào) và mã code in trên thẻ để “nhận diện” người đi tàu.
Hạn chế tối đa nạn “cò vé”
Ghi nhận tình hình tại hai đầu ga Sài Gòn, Hà Nội, một số người dân có nhu cầu nhưng không mua được vé tàu chặng ngắn vẫn được “cò vé” mồi chài, hướng dẫn cách mua vé. Tuy nhiên, trao đổi vấn đề này, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay: Ngành Đường sắt ưu tiên bán trước cho hành khách đi đường dài, vì họ khó tìm được phương tiện an toàn, giá rẻ, trong khi chặng đường ngắn có nhiều cơ hội hơn.
Cách bán vé tàu ưu tiên chặng đường dài nhằm đảm bảo hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh do tăng hệ số chiếm dụng chỗ, doanh thu. Nếu đưa toàn bộ vé cắt chặng ra bán ngay từ đầu sẽ “vụn” phương án bán vé. Hơn nữa, xảy ra tình trạng trống chỗ trên tàu do nhu cầu của hành khách chỉ tập trung đi một số chặng ngắn như: Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - Đà Nẵng hoặc Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Huế, những đoạn còn lại rất ít khách.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngoài lượng vé thời gian cao điểm Tết đã bán hết, ngành Đường sắt vẫn đang tiếp tục bán vé, theo dõi sát nhu cầu thực tế hàng ngày của hành khách để điều chỉnh kế hoạch cắt chặng hợp lý đối với lượng vé đường dài còn lại. Ngoài ra, nếu đã hết vé theo kế hoạch mà nhu cầu thực tế tăng, ngành Đường sắt sẽ lập thêm tàu tăng cường để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân.
Trả lời câu hỏi có triệt tiêu được nạn “cò vé”, lãnh đạo ngành Đường sắt khẳng định: Khó có thể triệt tiêu hoàn toàn, nhưng đã hạn chế được tối đa. Vì khi bắt đầu mở bán, đã có hàng chục nghìn lượt truy cập và thanh toán thành công. Nếu “cò vé” có tranh được với hàng nghìn người có nhu cầu thực sự, cũng chỉ săn được vài vé. Sau đó, “cò vé” phải “sang tên đổi chủ” hợp thức hóa cho đúng hành khách có nhu cầu sau này. Mặt khác, ngoài quy định chỉ đổi vé tại ga và mất phí, vé đổi và vé trả phải có thông tin trùng khớp với họ tên và số giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận... Những quy định này sẽ góp phần ngăn chặn nạn “cò vé” và đảm bảo quyền lợi cho hành khánh.