Về ATK Định Hóa

"Thủ đô kháng chiến" ATK Định Hóa (Thái Nguyên) những ngày đầu tháng Tám từ Quán Vuông về Chợ Chu, Quy Kỳ, Định Biên rồi sang Phú Đình, Điềm Mặc... vẫn những rừng vầu, rừng cọ, đồi chè xanh ngát, thấp thoáng những nhà sàn đơn sơ, bình dị. Điều khác biệt nhất là đường về ATK đã trải nhựa phẳng lỳ, những ngôi trường, trạm y tế khang trang, điện lưới quốc gia thắp sáng các bản làng, hệ thống kênh mương bê tông kiên cố tỏa khắp những cánh đồng...

Lịch sử hào hùng

Theo các tài liệu tại Ban quản lý di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, với địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, lại là nơi những người yêu nước và lực lượng cách mạng sớm gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, từ những năm 1936 - 1939, nhiều xã trong vùng Định Hóa đã hình thành đội ngũ cốt cán giác ngộ cách mạng. Đầu năm 1942, một bộ phận của Cứu quốc quân II đã mở rộng địa bàn sang Định Hóa hoạt động. Đầu năm 1943, Định Hóa trở thành địa bàn của Cứu Quốc quân do đồng chí Tân Hồng (Chu Văn Tấn) chỉ huy mở đường Bắc tiến từ Chợ Chu lên Cao Bằng, thâm nhập Chợ Đồn (Bắc Kạn). Phong trào cách mạng ở Định Hóa lớn mạnh không ngừng.

Đỉnh điểm vào cuối tháng 3/1945, lực lượng Cứu quốc quân và tự vệ chiến đấu đã tấn công chiếm đồn lính khố xanh ở Chợ Chu. Định Hóa trở thành huyện giành chính quyền sớm nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Trên mảnh đất lịch sử này, tháng 5/1945, Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tại Làng Quặng, xã Định Biên với 13 đại đội, trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở khắp vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Thị trấn Chợ Chu - trung tâm ATK Định Hóa hôm nay.


Cách mạng tháng Tám thành công nhưng nền độc lập tự do của đất nước lại bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân xâm lược, vùng đất "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" Định Hóa lại tiếp tục được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của ATK Việt Bắc. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954), núi rừng ATK Định Hóa và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều cơ quan của Trung ương cũng ra đời trên chính mảnh đất này như: Ủy ban kiểm tra Trung ương (1948), Hội Nhà báo Việt Nam (1950), Ủy ban hòa bình Việt Nam, Ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng (1953)... Ở căn lán Khau Tý, xóm Nạ Tra, xã Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước suốt từ tháng 2 đến tháng 10/1947.

Tại đồi Pụ Đồn, dưới chân đèo De, núi Hồng (xã Phú Đình ngày nay) vào ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm đại tướng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, tại căn lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), vào cuối tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình" và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy. Dưới ánh sáng tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ núi rừng ATK Định Hóa, toàn quân, toàn dân ta đã giành chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" trong trận đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng bào các dân tộc và giá trị lịch sử của ATK Định Hóa, Đảng và Nhà nước đã phong tặng huyện danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời xếp hạng ATK Định Hóa là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Dấu ấn hôm nay

Phát huy truyền thống anh hùng, đồng bào các dân tộc Định Hóa ngày nay ra sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết: Là huyện có thế mạnh về nông lâm nghiệp, 5 năm qua (2011 - 2015), Định Hóa đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt trên 24,5 triệu đồng, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt hơn 70 triệu đồng/ha, cơ giới hóa 70% diện tích đất gieo trồng lúa hàng năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp mỗi năm đạt khoảng 95 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 33% (năm 2011) xuống còn dưới 16% hiện nay...

Thu hái chè - cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương tại vùng chè Điềm Mặc, Định Hóa.


Xác định công nghiệp trong nông nghiệp là lợi thế của vùng đất chiến khu, Định Hóa đã thu hút đầu tư vào các làng nghề tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách tham quan Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa. Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng Nhà máy chế biến chè Sơn Phú, trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Phượng Tiến, duy trì và phát triển 13 làng nghề dệt mành cọ, hơn 200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông lâm sản, xây dựng vùng sản xuất lúa Bao Thai đặc sản hàng hóa. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 3 xã: Phương Tiến, Đồng Thịnh và Bảo Cường đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Huyện cũng đang xây dựng mô hình "Làng mới" tại xã Phượng Tiến với sự giúp đỡ của tỉnh Gyeongsangbokdo (Hàn Quốc)…

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Định Hóa cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo 27 điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, huyện đã xây dựng đề án, triển khai việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa rối Tày tại thôn Thẩm Rộc xã Bình Yên và Ru Nghệ xã Đồng Thịnh, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, hiện toàn huyện đã có trên 50% số thôn bản đạt danh hiệu "Làng văn hóa", gần 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia, trên 50% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ma Đình Đối, từ nay đến năm 2020, Định Hóa phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt 1.900 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2% trở lên, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới... Để đạt được những mục tiêu này, huyện đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hệ số sử dụng đất, đưa 60% diện tích gieo trồng sử dụng các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao, mỗi năm trồng mới, thay thế khoảng 1.200 ha rừng. Trong giai đoạn phát triển mới, Định Hóa cũng tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là các tuyến du lịch ATK Phú Đình và thắng cảnh Chùa Hang - di tích nhà tù Chợ Chu - hồ Bảo Linh, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ATK…

Với những chương trình, dự án cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương, được nhân dân các dân tộc đồng tình, ủng hộ cao, chắc chắn những mục tiêu đó sẽ sớm trở thành hiện thực, đưa ATK Định Hóa tiếp tục phát triển, xứng danh miền đất lịch sử anh hùng.

Hoàng Thảo Nguyên
Tháng Tám về ATK Định Hóa
Tháng Tám về ATK Định Hóa

"Thủ đô kháng chiến" ATK Định Hóa (Thái Nguyên) những ngày đầu tháng Tám vẫn những rừng vầu, rừng cọ, đồi chè xanh ngát, thấp thoáng những nhà sàn đơn sơ, bình dị. Nhưng đường về ATK đã trải nhựa phẳng lỳ, điện đã thắp sáng các bản làng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN