TP Hồ Chí Minh đã có những trận mưa đầu tiên trong những ngày qua, nỗi ám ảnh về một “mùa ngập lụt” cũng bắt đầu. Kinh phí được duyệt cho những dự án chống ngập trong năm nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, cho thấy thành phố đang quyết tâm xóa ngập hoàn toàn trong năm nay, nhưng dường như nỗi lo vẫn còn đó…
Quyết tâm xóa ngậpTheo kế hoạch của thành phố đề ra, năm 2015 là thời hạn cuối cùng để hoàn thành các dự án chống ngập và xóa hoàn toàn các điểm ngập trên địa bàn thành phố, tuy nhiên, mục tiêu này khó hoàn thành. Trong khi thành phố vẫn đang nỗ lực xóa ngập ở những điểm đã “đăng kí xóa, giảm ngập” thì riêng trong năm 2014, toàn thành phố phát sinh thêm 22 điểm tái ngập, trong đó có 12 điểm ngập do chặn dòng thi công và 10 điểm tái ngập… “tự nhiên”. Dù vậy, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ngập cùng lúc, hy vọng có thể sẽ giải quyết được tình trạng ngập lụt của thành phố một cách căn cơ.
Bến Phú Định - quận 8, một trong những điểm "mưa là ngập". |
Theo Trung tâm Chống ngập, trong năm 2015 thành phố chỉ có thể tiếp tục giải quyết được khoảng 61/68 điểm ngập. Do tác động của biến đổi khí hậu và mưa lớn, thành phố đang phát sinh nhiều điểm ngập mới và một số điểm tái ngập. Một số công trình như Tân Hóa - Lò Gốm khi hoàn thành thì sẽ giải quyết được nhiều điểm ngập và tái ngập do chặn dòng thi công, tuy nhiên thành phố vẫn còn một số tuyến đường chưa có hệ thống cống thoát nước, cần tiếp tục được đầu tư, xây dựng.
Để giải quyết một cách căn cơ tình trạng ngập hiện nay, ngoài những dự án chống ngập, nạo vét kênh rạch đang được triển khai, thành phố đã đồng ý rót kinh phí 23.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cống ngăn triều, nhằm hạn chế tác động của triều cường. Giải pháp xây cống ngăn triều đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008. Dự án này bao gồm hệ thống 13 cống ngăn triều thuộc địa bàn Tây Ninh, Long An và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến nay chỉ mới thực hiện được cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè do thiếu vốn thực hiện. Riêng địa bàn thành phố, cần xây dựng thêm 6 cống ngăn triều nữa với mức dự toán khoảng 23.000 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Chống ngập, nếu xây dựng được hệ thống cống ngăn triều khép kín, thì phần lớn các vùng ngập do triều trên địa bàn sẽ được giải quyết cơ bản, đặc biệt là các khu vực như quận 2, Bình Thạnh, Nhà Bè, quận 9… Ngoài ra, trong năm 2015, thành phố cũng tập trung triển khai nhiều dự án thoát nước sử dụng nguồn vốn ODA như nạo vét, cải tạo hệ thống kênh, rạch nội thành, xây dựng bổ sung hệ thống cống cấp 2- 3, hệ thống xử lý, thu gom nước thải thuộc các dự án lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Tẻ, Kênh Đôi, dự án nâng cấp đô thị Tân Hóa - Lò Gốm…
Cần tôn trọng quy luật tự nhiênBăn khoăn về tình trạng ngập lụt kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được trên địa bàn thành phố, GS.TS Lê Huy Bá, trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng và khó giải quyết chính là khoảng 14 - 15% kênh rạch trên địa bàn thành phố đã bị lấp để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường giao thông… Việc lấp kênh, rạch có thể tạo thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng, tạo mỹ quan cho thành phố, nhưng lại tạo ra những hệ lụy rất lớn. Nhiều tuyến kênh được thay bằng hệ thống cống hộp là sai lầm, vì theo tính toán, lượng tiêu thoát của hệ thống cống hộp chỉ tương đương khoảng 1/10 so với tiêu thoát bằng kênh hở, đó là chưa kể, lượng đất cát, rác thải bồi lắng làm giảm lưu lượng chảy trong hệ thống cống.
Theo GS.TS Lê Huy Bá, thời gian gần đây thành phố thực hiện chủ trương khai thông kênh rạch là nhận thức đúng đắn, đặc biệt là việc khai thông tuyến kênh Hàng Bàng. Tuy nhiên một số tuyến kênh khác vẫn bị lấp như kênh Xuyên Tâm, hoặc đoạn từ đường Út Tịch đến Cộng Hòa… Nhiều năm liền chúng ta không giải quyết được tình trạng ngập lụt vào mùa mưa là do sai lầm về mặt chiến lược. Muốn giải quyết căn bản tình trạng này, thì phải “sống chung với kênh rạch”. Trong những năm qua, việc phát triển thành phố về phía nam đã khiến thành phố mất đi một hệ thống “túi điều tiết”. Vì vậy, thành phố cần phải đào những hồ điều tiết, khơi lại những kênh, rạch bị lấp, xây dựng các hồ nổi, hồ chìm để điều tiết nước và tạo cảnh quan - vấn đề này đã được các nhà khoa học nói đến rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Riêng đối với hệ thống thoát nước, thành phố phải xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng. Nước thải phải được thu gom và xử lý cục bộ từng phần. Tuyệt đối không chấp nhận “lý thuyết” pha loãng để thải nước thải ra sông…
Cùng quan điểm này, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, việc xây dựng hồ điều tiết là hết sức cần thiết, nhưng cần phải kết hợp với hệ thống cống ngăn triều. Việc thành phố ưu tiên xây dựng cống ngăn triều để chống ngập là chủ trương đúng. Tuy nhiên, số tiền 23.000 tỷ đồng được dự toán từ năm 2008, hiện không thấm vào đâu so với yêu cầu thực tế, vì vậy dự án xây cống ngăn triều cần được chia nhỏ thành nhiều phần, không nên thực hiện chống ngập tràn lan mà nên thực hiện trước ở những điểm nóng như khu vực quận 7, 8, 9, Thủ Đức…
Lê Hiền