Ưu tiên làm cầu treo vùng khó khăn

Hơn 40% số cầu treo trong cả nước đang bị hư hại, xuống cấp, cần sửa chữa gấp. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp, ngành giao thông và các địa phương chỉ ưu tiên những vùng khó khăn nhất, những vùng có nhu cầu sử dụng cấp bách nhất.


Trên 800 cầu xuống cấp nghiêm trọng


Sau vụ sập cầu treo bản Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu), các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, ảnh, clip cô trò tại bản Sam Lang (Nậm Pồ, Điện Biên) phải chui vào túi ni lông vượt suối vì không có cầu treo bắc qua. Các thông tin này gây được sự chú ý trong dư luận và sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo ngành giao thông.

Cầu treo buôn Tliêr xuống cấp trầm trọng.

 


Tuy nhiên, mới đây, nhiều người dân tại các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng tiếp tục phản ánh tới báo Tin Tức về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hàng trăm cầu treo tại các tỉnh này, nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Điển hình, cầu treo buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) dài 98 m, rộng 2,5 m, trọng tải 1,5 tấn, được xây dựng từ năm 2005, nối buôn Tliêr và thôn 3 (xã Hòa Phong) qua xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đang xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu treo này không có biển báo, ván lót mặt cầu bị gãy gần hết. Người dân địa phương phải dùng những thanh gỗ dài bắc ngang qua vị trí ván bị gãy, nhưng không đóng đinh cố định, nên mặt cầu lồi lõm rất nguy hiểm. Nhiều đoạn gỗ dầm hai bên cầu bị rời ra, bu lông văng ra khỏi sàn, lan can cầu bị gỉ sắt ăn mòn... Nguy hiểm hơn, hàng ngày, cầu treo này vẫn phải oằn lưng “cõng” hàng chục lượt xe công nông chở nông sản có trọng lượng gấp đôi trọng tải cho phép qua lại... Theo số liệu chưa đầy đủ, các tỉnh Tây Nguyên đang có hàng trăm cầu treo tương tự như vậy.


Cao Bằng hiện cũng có tới 78 cây cầu treo bắc qua sông suối nhưng mới qua kiểm tra cầu treo của 5/13 huyện, thành phố, đã phát hiện hàng loạt cầu đang xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, các cầu treo đều chưa có biển báo tải trọng, biển chỉ dẫn, hoặc có nhưng biển đã mục nát nên không còn tác dụng. Hệ thống ván lát mặt cầu bị hư hỏng nặng, một số dây treo và tăng đơ dây treo vị trí giữa nhịp cầu bị mất, hai đầu hố neo, tăng đơ cáp chủ bị lấp đất, han gỉ nặng. Đặc biệt, có nhiều cầu cáp chủ hai bên căng lệch nhau khoảng 40 cm, dây cáp chống rung, lắc bị chùng, móc tăng đơ không được hàn khóa đầu móc... làm cho cầu rung lắc rất mạnh khi có phương tiện đi qua, gây nguy hiểm cho người dân.

 


Ông Lăng Văn Hòa, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Tỉnh Bắc Kạn cần khoảng 25 tỷ đồng để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng 120 cầu treo đang xuống cấp. Sở GTVT tỉnh đã có công văn gửi Bộ GTVT duyệt phương án sửa chữa và sẽ tiến hành làm ngay trước mùa mưa.
Còn theo số liệu điều tra mới nhất của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), tính đến tháng 3/2014, cả nước có hơn 1.940 cầu treo, trong đó có trên 1.130 cầu (chiếm gần 40%) đủ điều kiện khai thác. Còn lại hơn 800 cầu (chiếm trên 40%) đã bị hư hại nặng, xuống cấp nghiêm trọng cần sửa chữa khẩn cấp. Tình trạng mất an toàn giao thông khi lưu thông trên những cây cầu này, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, đang trở thành nỗi lo của nhiều địa phương, nếu các cây cầu này không được sửa chữa, xây mới kịp thời.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết: Nhu cầu xây dựng cầu treo dân sinh của các địa phương hiện rất lớn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải xác định rõ vị trí ưu tiên đầu tư, vị trí nào cần làm cầu treo, khu vực nào làm cầu treo mặt dây văng, để đảm bảo thống nhất về tiêu chuẩn kết cấu cầu, tải trọng, khổ cầu, tuổi thọ và nhu cầu sử dụng phù hợp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.


Huy động mọi nguồn lực


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cầu treo là hệ thống giao thông duy nhất kết nối các bản làng khó khăn, đưa các em học sinh đến trường học và đưa đồng bào tới các phiên chợ tại các thị trấn, thị xã để mua bán nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều cầu treo có tuổi thọ đến hàng chục năm, hệ thống cáp treo, mặt cầu kết cấu thép đã bị rỉ, đứt sợi lõi..., tiềm ẩn nguy cơ sập bất cứ lúc nào.


Nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông nông thôn. Mặc dù vậy, các khu vực vùng sâu vùng xa do nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp nên chưa thể cải thiện được các công trình giao thông khiến cho việc đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn phải hàng ngày vượt sông, suối bằng nhiều cách, kèm theo đó là nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.


Trước thực tế này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT Đề án xây dựng cầu treo tại 28 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung tại 22 tỉnh khác có đồng bào dân tộc ít người sinh sống để lập Đề án tổng thể xây dựng cầu treo ngay từ năm nay. Theo đề án này, 28 tỉnh đề xuất xây dựng cầu treo tại 1.190 vị trí. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, phân tích, đánh giá, Bộ GTVT đã xác định trước mắt sẽ xây cầu treo mới tại 186 vị trí, với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Để triển khai sớm đề án này, giải quyết kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ cho phép dùng một phần ngân sách nhà nước để xây cầu tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhu cầu đi lại lớn. Nguồn vốn còn lại có thể huy động từ nhiều nguồn khác như kêu gọi nhà tài trợ, vay vốn thương mại...


Ông Phạm Quang Vinh cho biết, các đề án đang chờ huy động vốn đầu tư, khi có vốn sẽ triển khai xây dựng thí điểm từ 10 - 20 vị trí, để đánh giá và từng bước nhân rộng. Thực tế, hiện có nhiều chương trình đầu tư cho giao thông nông thôn như: Chương trình 135, đề án thí điểm xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn, các dự án cầu giao thông nông thôn của JICA, ADB, WB, các cầu treo do dân tự xây dựng... Do đó, các cầu treo xây dựng theo đề án này cần được đánh giá về hiệu quả trong việc sử dụng, bảo trì, cũng như những bất cập so với những cây cầu được xây dựng theo các chương trình khác, nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng.


Tiến Hiếu

Phập phồng cầu treo
Phập phồng cầu treo

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tỉnh miền núi Tây Bắc, trong đó có hệ thống cầu treo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN