Tỉnh yêu cầu các UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9. Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào. Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ 14 giờ ngày 27/9.
Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng gồm 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa to, mưa rất to. Dự báo tác động của mưa với cường độ lớn, tập trung trong khoảng thời gian ngắn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó bão số 4.
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước. Hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện (dung tích đạt từ 20-30% tổng dung tích) đang vận hành đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.