Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình tạm dừng đón khách
Do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách nên từ ngày 6/9, Khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình tạm dừng bán vé tham quan. Những du khách đã mua vé tham quan Tràng An từ ngày 6/9 - 15/9 sẽ được Ban Quản lý Khu du lịch bảo lưu trong 1 tuần.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An, ước tính, có khoảng 500 du khách phải hoãn chuyến tham quan lần này. Đây đều là những đoàn khách đã đặt vé online từ trước.
Trước đó, ngày 5/9, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình có công văn số 1202/SDL-QLDL về việc chủ động ứng phó với bão số 3. Trong đó nhấn mạnh, trường hợp khu, điểm du lịch do điều kiện thời tiết xấu, không đảm bảo an toàn phục vụ khách tham quan phải dừng ngay việc tổ chức hoạt động tham quan và thông báo kịp thời tới du khách, công ty du lịch, dịch vụ, truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Sạt lở nhiều điểm do mưa lớn
Do ảnh hưởng của bão số 3, một vài địa phương tại Kon Tum xuất hiện mưa lớn kéo dài gây hư hỏng, sạt lở tại các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ khiến giao thông gặp khó khăn.
Quốc lộ 40B (huyện Tu Mơ Rông) đoạn từ Km160+235 đến Km160+385 xuất hiện những điểm sạt lở khiến đất, đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường; tại km163+290 bị sạt lở taluy dương với gần 12m3 đất, đá; tại Km168+294 bị xói lở đầu cống. Trên Quốc lộ 24 (đoạn qua xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) xuất hiện một điểm sạt lở taluy dương với khoảng 134m3 đất, đá tràn ra mặt đường; Tỉnh lộ 677 (huyện Kon Rẫy) ghi nhận hơn 5 điểm đất, đá tràn ra mặt đường gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Đường đi khu tái định cư thủy điện Plei Krông (huyện Sa Thầy) ghi nhận một điểm đất tràn ra mặt đường khoảng 40m3.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum khẩn trương chỉ đạo các đơn vị quản lý huy động máy móc, nhân lực dọn dẹp đất, đá bị sạt lở; đồng thời, cắm biển cảnh báo tại nơi có nguy cơ để người dân biết, phòng tránh.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Kon Tum dự kiến tiếp tục mưa lớn ở nhiều nơi. Sở Giao thông Vận tải đề nghị, các địa phương, đơn vị quản lý đường phân công người túc trực 24/24 giờ theo dõi sát tình hình sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng máy móc, vật tư tại tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao sẵn sàng thông tuyến khi có sạt lở xảy ra.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Ngày 6/9, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa, mưa vừa, mưa to, chiều tối có mưa rào và dông ở một số địa phương.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, đêm 6/9 ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to, cần đề phòng hiện tượng thời tiết nguy hiểm như, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên các sườn dốc và khu vực ven sông tại các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin.
Để phòng, chống thiên tai, ứng phó mưa lớn, ngày 6/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ xảy ra vừa qua (nhất là ở các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, UBND cấp huyện triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thành phố Buôn Ma Thuột cũng dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn thành phố sẽ có mưa dông, gió mạnh, kèm theo các hiện tượng lốc, sét, gió giật mạnh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thành phố chỉ đạo các phòng, ban, ngành sẵn sàng biện pháp ứng phó khi có tình huống bão xảy ra. UBND các xã, phường cảnh báo diễn biến của bão số 3; chỉ đạo triển khai tốt phương châm “bốn tại chỗ”, rà soát, vận động người dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn đối với sản xuất và nuôi trồng thủy sản...
Dông, lốc làm tốc mái nhiều căn nhà tại Cần Thơ, Hậu Giang
Tối 6/9, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết, một trận mưa kèm theo dông lốc xảy ra chiều cùng ngày làm sập, tốc mái 5 căn nhà của người dân.
Theo đó, trận mưa dông xuất hiện vào lúc 14 giờ gây thiệt hại cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.
Cụ thể, tại ấp Nhơn Thọ 1 và ấp Nhơn Bình thuộc xã Nhơn Ái, một căn nhà bị sập hoàn toàn và một căn bị tốc mái. Ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Tại ấp Thị Tứ Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa, một căn nhà khác bị tốc mái hoàn toàn với thiệt hại ước tính khoảng 25 triệu đồng.
Ngoài ra, hai căn nhà tại ấp Tân Long, xã Tân Thới và ấp Trường Phú B, xã Trường Long bị tốc mái một phần, gây thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Tổng thiệt hại tài sản do dông, lốc gây ra ước tính khoảng 100 triệu đồng, may mắn không có thiệt hại về người.
Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Điền cho biết, sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, UBND các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Thới, Trường Long huy động, bố trí lực lượng dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ. Đồng thời hỗ trợ người dân có nhà bị sập, tốc mái tháo dỡ, di dời tài sản, khắc phục tạm thời để bà con ổn định cuộc sống.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xuất hiện nhiều trận mưa lớn kèm theo dông mạnh. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ở khu vực trung tâm thành phố, ngày 6/9, đơn vị chức năng tổ chức cắt tỉa cây xanh có tàng lớn, khả năng đổ ngã trong mưa dông. Nhiều cây to trên các tuyến đường của quận Ninh Kiều được thu nhỏ tàng, loại bỏ cành khô, cành chết, tét nhánh trong mùa mưa bão, tránh nguy cơ gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên đường.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, trong 2 ngày 5 và 6/9, trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A xảy ra mưa kèm dông, lốc đã làm tốc mái 9 căn nhà, ước thiệt hại 105 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, nhận được tin báo về thiệt hại do dông, lốc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương xuống hiện trường, phối hợp chính quyền điều động lực lượng dân quân tự vệ, Công an, các đoàn thể cùng người dân tham gia khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”; hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ngành chức năng theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết để các cấp, ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó hiệu quả. Các đơn vị cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thông tin đến chính quyền địa phương và người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để chủ động biện pháp phòng tránh.
Ngành chức năng khuyến cáo, những ngày tới, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa to, ngành chức năng cần chủ động kiểm tra đường dây điện, chặt, tỉa cành cây to gần đường điện, trường học; người dân chủ động kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình phụ, kiểm tra cây to gần nhà hoặc nơi có nhiều người qua lại. Khi có dông, sét, người dân tìm nơi trú ẩn an toàn, không nên mang theo vật dụng bằng sắt, kim loại hút điện, dẫn điện; không trú ẩn dưới gốc trụ điện, gốc cây lớn, gầm cầu...