Kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm
Ứng phó với bão số 3, chiều 6/9, UBND huyện ven biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình triển khai các biện pháp di dân từ khu vực ngoài đê biển Bình Minh II vào nơi trú ẩn an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc di dời hoàn tất trước 15 giờ cùng ngày.
Chiều 6/9, khoảng hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông của huyện Kim Sơn nằm ở khu vực ngoài đê Bình Minh II đã được 16 tổ, chốt di dời gồm chính quyền các địa phương, lực lượng công an, quân đội tuyên truyền, vận động sơ tán đến khu vực an toàn.
Thiếu tá Trần Quốc Khánh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kim Sơn cho biết, Tiểu ban di dân, tìm kiếm cứu nạn và hộ đê biển phối hợp với Đồn Biên phòng Kim Sơn, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải khẩn trương triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê biển Bình Minh II, bao gồm cả lao động đang nuôi hàu trên sông Đáy đến nơi tránh, trú an toàn. Kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, lều chòi khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Trường hợp cần thiết chủ động cưỡng chế di dời bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con.
Trước đó, UBND huyện Kim Sơn đã có công văn số 01/CĐ-UBND ngày 5/9 giao UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải thành lập tổ tuyên truyền, vận động người dân di dời vào trong đê biển Bình Minh II theo đúng thời gian, đồng thời lập chốt kiểm soát, tuyệt đối không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh II kể từ 7 giờ 30 phút ngày 6/9 đến khi bão tan. Công an huyện chủ trì, phối hợp các lực lượng vũ trang triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự ở vùng di dân để nhân dân yên tâm chấp hành việc di dời.
Cùng ngày, kiểm tra, chỉ đạo công tác di dân tại khu vực bãi bồi ven biển Kim Sơn, ông Mai Khanh, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn yêu cầu, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan vì đây là cơn bão rất mạnh sẽ đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp khu vực huyện.
Các địa phương huy động lực lượng giúp người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, lên phương án cụ thể ứng phó, tổ chức sơ tán di dời những hộ dân ở khu vực xung yếu, sống trong ngôi nhà, lều chòi tạm bợ không kiên cố đến trường học, nhà kiên cố và an toàn...
Đảm bảo an toàn neo đậu tàu, thuyền
Các địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó trước khi bão số 3 đổ bộ.
Là địa phương có số lượng tàu, thuyền lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 6/9, huyện Hoằng Hóa có 931 phương tiện tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có 12 tàu neo đậu ở các tỉnh ngoài. Lực lượng chức năng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, rà soát số người đang có mặt trên các nhà bè nuôi trồng thủy sản sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.
Theo ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh bão an toàn. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến của bão số 3; ứng trực bão 24/24 giờ cũng như lên phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Trung tá Trần Văn Hoàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hoằng Trường (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đơn vị tổ chức lực lượng sẵn sàng phương án để hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương trong việc ứng phó với bão số 3. Trong chiều và đêm 6/9, lực lượng Biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của huyện Hoằng Hóa thực hiện nghiêm công tác kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng cá, bến cá, tuyệt đối không để người dân ở trên phương tiện khi bão đổ bộ.
Tại thành phố Sầm Sơn, đến chiều 6/9, 1.598 phương tiện tàu, thuyền của của ngư dân đã vào nơi neo đậu an toàn, trong đó có 50 phương tiện tàu thuyền neo đậu an toàn ở các tỉnh, thành phố khác. Thành phố Sầm Sơn tiếp tục chủ động các phương án phòng, chống bão với phương châm “bốn tại chỗ” cũng như bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Được biết đến chiều 6/9, tất cả 6.116 tàu thuyền/19.901 ngư dân của địa phương đánh bắt trên biển đã vào bờ tránh trú bão số 3. Thanh Hóa tổ chức cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão.
Theo dự báo của báo Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, từ tối và đêm 6/9, khu vực vùng biển Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12, biển động dữ dội. Vùng ven biển Thanh Hóa cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 - 1m vào chiều và đêm 7/9, nước rút do bão cao từ 0,3 - 0,7m vào sáng 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng ven biển bao gồm các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoàng Hóa, thành phố Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng, rút do bão. Cũng theo dự báo, từ đêm 6/9 đến đêm 8/9, khu vực Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, riêng khu vực phía Bắc, Tây Bắc như các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Hà Trung... có nơi trên 400mm.
Cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão
Để chủ động ứng phó khẩn cấp ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh và tài sản của các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường học trực thuộc cho học sinh trung học, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học ngày 7/9.
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên không tổ chức hoạt động ngoại khóa.
Các cơ sở giáo dục tổ chức trực bão 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ của địa phương kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra; cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, học viên chủ động phòng tránh bão. Đồng thời, rà soát lại hệ thống phòng ở nội trú, bán trú và có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh ở tại trường.
Theo dự báo, tỉnh Tuyên Quang có 6 huyện sẽ chịu tác động của bão, hoàn lưu bão số 3. Qua rà soát bàn tỉnh Tuyên Quang có 49 xã nằm trong khu vực trọng điểm sạt lở, 58 xã trọng điểm xảy ra lũ ống, lũ quét, 35 xã trọng điểm ngập lụt.
Theo dự báo, từ đêm nay 6/9 các khu vực trong tỉnh Tuyên Quang có mưa rào và dông rải rác. Riêng từ ngày 7 - 9 có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt, tại 6 huyện, trọng điểm là 2 huyện Yên Sơn và Sơn Dương.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, các ngành, địa phương kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá; thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" phòng, chống mưa bão. Đồng thời, chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước khi mưa bão xảy ra.
Bảo đảm tính mạng, an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu
Chiều 6/9, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại thành phố Chí Linh và huyện Nam Sách, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, các địa phương, lực lượng cần bám sát, thực hiện nghiêm công điện của Trung ương và của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh với tinh thần sẵn sàng ứng phó với mức cao nhất, đặt an toàn tính mạng người dân lên trên hết.
Đánh giá cao, biểu dương tinh thần chủ động và công tác chuẩn bị ứng phó với bão của thành phố Chí Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão để chủ động các phương án.
Đoàn công tác đề nghị thành phố bám sát thực tế, tùy tình huống bão để có phương án cần cưỡng chế di dời người dân tại 13 điểm có nguy cơ sạt lở tại 6 phường, xã. Với 858 lồng cá nuôi trên sông, đề nghị tuyên truyền vận động người dân chằng chống các lồng cá; chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường bảo vệ tài sản cho nhân dân khi sơ tán tránh bão. Với 6 điểm xung yếu trên đê, cần đảm bảo ứng trực kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra...
Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, ứng phó với siêu bão, thành phố rà soát các công trình hồ đập, tuyến kênh, khu vực nguy cơ sạt lở. Hiện các trạm bơm tiêu úng sẵn sàng. Thành phố Chí Linh có 68 hồ chứa vừa và nhỏ. Trong đó với 8 hồ do Xí nghiệp khai thác Công trình thủy lợi quản lý, hiện Xí nghiệp đang tiến hành xả tràn để đảm bảo an toàn hồ đập. Các hồ do địa phương quản lý căn cứ tình hình điều tiết nước. Địa phương rà soát và có phương án với các điểm xung yếu trên đê. Các địa phương trực 24/24 giờ để phòng chống bão…
Đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra kiểm tra công tác phòng, chống bão tại trạm bơm Đò Hàn phục vụ tưới tiêu cho một phần của huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương, kiểm tra khu vực nuôi cá lồng ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách nơi có khoảng 1.000 lồng cá.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu huyện cần có phương án phòng chống hiệu quả, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế đến mức thấp nhất về tài sản.
Chiều 6/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương Lương Văn Việt đã ký ban hành công văn về việc cho học sinh nghỉ học để ứng phó với bão số 3.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương yêu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày thứ Bảy (ngày 7/9), bố trí học bù vào thời gian phù hợp để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch thời gian năm học.
Trước đó, tối 5/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã ban hành công điện số 6 tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3.