Theo Nghị quyết 05/2016/NQ - HĐND, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch (cả khu vực đô thị và nông thôn). Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 37% năm 2016 đã tăng lên 65% năm 2019.
Tuy nhiên vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp như huyện Chương Mỹ 18%, Mỹ Đức 10%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 27%... Điều này, đặt ra yêu cầu cho chính quyền thành phố cần có những giải pháp, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện để người dân khu vực nông thôn được hưởng những điều kiện sinh hoạt thiết yếu của một đô thị.
Tính đến 31/7/2019, Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước (gồm 11 dự án phát triển nguồn, 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch). Trong đó về phát triển nguồn, đã có 5/11 dự án hoàn thành, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của thành phố đến nay đạt 169% so với năm 2016. Về phát triển mạng lưới, đã có 14/28 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Các dự án phát triển nguồn và mạng lưới nước sạch nói trên đã góp phần nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đạt 65%. Nếu hoàn thành cơ bản các dự án này thì chỉ tiêu đặt ra 100% dân số được sử dụng nước sạch sẽ sớm được thực hiện.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các ngành, địa phương và kết quả giám sát của các Ban thuộc HĐND, Thường trực HĐND nhận thấy, còn nhiều dự án phát triển mạng, nguồn chậm tiến độ. Cụ thể, vẫn còn khoảng 160/420 xã, thị trấn (38,1%) chưa có mạng cấp nước. Còn tại khu vực đô thị cơ bản 100% được sử dụng nước sạch, song có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do dự cố, nhất là vào thời điểm cao điểm trong dịp hè ở một số khu vực của quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước còn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trước các vấn đề của đại biểu nêu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết HĐND, Hà Nội đã báo cáo các bộ, và Thủ tướng cho phép Hà Nội đưa chức năng quản lý toàn bộ nước sạch của Hà Nôi về một đầu mối là Sở Xây dựng. Đồng thời, Hà Nội và Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép các công ty nước sạch, nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ giữa năm 2016, Hà Nội công khai các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt để kêu gọi đầu tư; đề nghị thêm các nhà máy nước các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống đề cung cấp ngược lại cho thành phố nếu còn thừa công suất. Đồng thời, Hà Nội yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có như: Nhà máy nước Vân Trì, nhà máy nước mặt sông Đà, trạm cấp nước Dương Nội....
Trong 3 năm qua, UBND TP đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng mà điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100 ha trong vòng 4 tháng. Đồng ý cho các nhà đầu tư vừa thiết kế vừa thi công đường ống, nhờ đó màtrong vòng 7 tháng.
Với việc triển khai các dự án phát triển nguồn nước và mạng lưới cung cấp nước như hiện nay, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, xử lý với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen. Theo đó, với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, Hà Nội sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...
Trước ý kiến của đại biểu HĐND về giá nước mặt sông Đà chỉ 5.000/m3, trong khi nước mặt sông Đuống cao hơn, Chủ tịch UBND TP cho biết, tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông Đuống đang cao nhất hiện nay, nên mới có mức giá này. Một số nhà máy nước sẽ phải đầu tư bổ sung công nghệ mới, thay thế đường ống đảm bảo chất lượng. Giá nước sẽ được điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Hà Nội cũng sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế.