Giây phút tưởng niệm các nạn nhân. |
Ngày 2/11/1997, bão số 5 có tên quốc tế là Linda đã đổ bộ
vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người
cho 21 tỉnh, thành ở miền Nam; trong đó, Cà Mau là địa phương chịu hậu
quả nặng nề nhất.
Tại đây, cơn bão đã làm 128 người chết, mất
tích 1.164 người, 601 nạn nhân bị thương. Đồng thời, bão Linda còn
làm sập, hư hỏng trên 160.000 căn nhà, 666 tàu cá bị chìm, hư hỏng
nặng; 63.000 ha rừng và 77.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị tàn
phá chủ yếu là ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời làm thiệt hại về tài
sản hơn 2.700 tỷ đồng.
Tại lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử
cho biết, bão Linda đi qua đã để lại hậu quả nặng nề cho Cà Mau như,
trong lĩnh vực khai thác thủy sản, nguồn lao động đi biển thiếu hụt trầm
trọng đã kéo theo sự giảm sút của các ngành chế biến, dịch vụ và toàn
ngành thủy sản. Cơn bão còn làm cho sự phát triển kinh tế, xã hội bị
đảo lộn, ngưng trệ… Tất cả những tổn thất đều có thể đong đếm, nhưng nỗi
đau mất đi người thân không gì có thể đong đếm được.
Bà Nguyễn Thị Hơn, ấp 7 xã Khánh Tiến, huyện U Minh, có hai người con bị mất tích trong cơn bão Linda. |
Hàng trăm người dân có mặt tại buổi lễ là hàng trăm câu chuyện đau
thương được mang theo trong suốt 20 năm qua. Bà Trần Thị Lăng ở kênh
Xáng Mới, ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh đã mất đi người chồng yêu
thương từ năm bà 37 tuổi. Bà Lăng vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh đó,
bà chia sẻ: “Chồng cô vừa ra khơi, chưa đến ngư trường thì nghe tin có
bão. Ông định cho tàu quay vào bờ nhưng còn thằng con thứ hai mới mười
mấy tuổi đang đi trên một tàu khác. Thấy vậy, ông cho tàu quay lại cứu
con, rồi hai cha con mất tích luôn. Một tuần sau thằng con nó về, còn
ông thì ra đi từ đó... Đứa con về nhà với tâm trạng hoảng loạn, gia đình
phải đưa đi điều trị một thời gian. Lành bệnh, nó lại xin cô ra khơi vì
nhớ biển”.
Theo ông Lê Văn Sử, với quyết tâm biến những đau thương thành sức
mạnh, chính quyền Cà Mau đã cùng với nhân dân dốc toàn lực cho công cuộc
khắc phục hậu quả do thiên tai để lại, khôi phục sản xuất, nhanh ổn
định đời sống, vươn lên phát triển mạnh mẽ sau bão.
Sau 20 năm, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cà Mau đã đạt
được những thành tựu hết sức to lớn trong nhiều lĩnh vực; trong đó, thủy
sản là một trong những ngành mũi nhọn với với tổng sản lượng thủy sản
bình quân hàng năm đạt 480.000 tấn. Riêng 9 tháng của năm 2017, tổng sản
lượng thủy sản đạt 382.500 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó,
khai thác thủy sản đạt 155.200 tấn. Cà Mau hiện có một đội tàu đánh bắt
hùng hậu trên 4.500 chiếc; trong đó, có hơn 2.300 tàu đánh bắt xa bờ.
Đây là đòn bẩy quan trọng tạo nên vị thế của Cà Mau trong sự phát triển
chung của nền kinh tế cả nước.
Không khí xúc động tại lễ tưởng niệm. |
Ông Lê Văn Sử nhấn mạnh, hiện nay những tác động của biến đổi khí
hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp với
nhiều loại như bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, bờ biển, dông,
lốc xoáy. Thiên tai có tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc và cực đoan
hơn, năm sau lại cao hơn năm trước. Trong khi đó, Cà Mau là địa phương
được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động này.
Theo đó, trong
công tác phòng chống thiên tại hiện nay, tính chủ động, kịp thời trong
công tác chỉ đạo luôn được tỉnh phát huy. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ và đồng bộ
với các huyện, sở, ngành, đơn vị có liên quan thường xuyên chủ động
theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Cùng với đó, công tác tổ
chức phòng, tránh kịp thời sẽ góp phần khắc phục hậu quả thiên tai một
cách chủ động và trong thời gian sớm nhất…
Theo kế hoạch, lễ tưởng niệm sẽ tiếp tục diễn ra tại hai hai điểm
khác là thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và thị trấn Cái Đôi Vàm,
huyện Phú Tân./