Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đã được triển khai nhằm nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi với mục tiêu sống thọ khỏe mạnh, có ích, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Người cao tuổi là "vốn quý của dân tộc”
Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão. Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói "Tuổi cao, ý chí càng cao". Người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình; kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi; bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa…
Cả nước hiện có trên 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số. Tình trạng già hóa dân số gia tăng nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống của người cao tuổi theo phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Trong một phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, quá trình già hóa của dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao, lực lượng người cao tuổi ngày một nhiều hơn, đông hơn. Đó là phúc lớn cho dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi", phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội…
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Thực tế cho thấy, người già là nhóm tuổi thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe cả tinh thần và thể chất, dễ mắc các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm, cần phải điều trị suốt đời như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, thận, rối loạn chức năng… Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của người cao tuổi đã suy giảm nhiều, khả năng phòng ngừa và hồi phục bệnh không còn như trước dẫn đến tình trạng bệnh càng kéo dài trầm trọng.
Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ việc chuyển trọng tâm sang xây dựng hệ thống y tế cơ sở và ưu tiên chăm sóc sức khỏe chủ động. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 20 là đến năm 2025, tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Con số này được nâng lên 75 tuổi với số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm vào năm 2030. Người cao tuổi không chỉ có tuổi thọ cao mà còn có chất lượng sống tốt, hạnh phúc về cả thể chất lẫn tinh thần.
Để đạt được mục tiêu này, theo Tiến sĩ, bác sĩ Lương Chí Thành (nguyên Phó viện trưởng Viện Lão khoa Quốc gia), cần phải có các các biện pháp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngay từ giai đoạn phòng bệnh cũng như đang điều trị bệnh. Theo đó, bác sĩ chú trọng đến nhóm phương pháp không dùng thuốc dễ thực hiện ngay tại nhà như tập luyện thể dục thể thao điều độ và thường xuyên, để cơ thể tiếp xúc và hòa mình với thiên nhiên, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi...
Giám đốc Dinh dưỡng và Đào tạo Dinh dưỡng - Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam Hoàng Sách Đình cho biết, chế độ dinh dưỡng dành cho người cao tuổi cần đảm bảo đầy đủ về chất, cân bằng về lượng so với nhu cầu ăn uống thường nhật. Khi bước vào độ tuổi cao niên, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn cung cấp đủ các chất thiết yếu như chất bột đường (glucid), béo (lipid), đạm (protid) và các vi chất dinh dưỡng như vitamin (vitamin C, A và B) và khoáng chất (canxi, sắt và iod).
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những vấn đề xã hội cấp thiết khi người cao tuổi phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tuổi thọ như tăng huyết áp, đái tháo đường… Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng tránh các bệnh tuổi già, giúp người cao tuổi sống vui - khỏe - có ích, tiếp tục là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con cháu.
Thời gian gần đây, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức đã cung cấp các kiến thức hữu ích liên quan đến bệnh lý mạn tính thường gặp ở người già, cách thức phòng, chống, chế độ tập luyện, dinh dưỡng hằng ngày để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần qua các chuyên đề như: Đau thắt lưng - đau thần kinh tọa; phòng tránh té ngã ở người cao tuổi; Đột quỵ não: Cách nhận biết và phòng tránh; Thoái hóa khớp gối và thoái hóa đa khớp…
Tuổi thọ khỏe mạnh - mục tiêu sống quan trọng
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi như vấn đề lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò người cao tuổi, chế độ phúc lợi xã hội, công trình giao thông… , hệ thống an sinh càng rộng thì càng có cơ hội cho người cao tuổi, nhất là chính sách hỗ trợ, động viên người cao tuổi; đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trong quá trình sửa đổi, nên xem xét là chính sách đại trà hay chỉ tập trung vào những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhất…
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt chuyên đề “Những vấn đề về người cao tuổi Việt Nam” được tổ chức gần đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã nêu rõ: Hội Người cao tuổi các cấp cần chủ động phối hợp với cấp ủy, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện và sớm có chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi, chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần; tạo động lực để người cao tuổi cả nước tiếp tục đóng góp, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nêu gương sáng trong phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”.
Nhấn mạnh tuổi thọ khỏe mạnh mới là mục tiêu sống quan trọng của người cao tuổi trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 đã đề ra những mục tiêu cụ thể như: Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ); phát triển mô hình Trung tâm dưỡng lão xã hội hóa; số giường bệnh dành riêng điều trị cho người cao tuổi…
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần chú trọng các bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giúp cho giới trung niên chuẩn bị tốt hơn cho tuổi già độc lập, nhất là khi tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam ngày càng nhanh. Việt Nam đang áp dụng Bảo hiểm xã hội đa tầng nhưng vẫn còn một tầng cuối là hưu trí bổ sung dành cho người dân chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, Việt Nam cần khắc phục rủi ro, trợ giúp thường xuyên cho nhóm yếu thế gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ.
Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm các doanh nghiệp nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác tham gia. Điều này cho thấy không nên độc tôn bất cứ hệ thống nào và cần đảm bảo được nền tảng an sinh xã hội, xác định rõ ai bị "bỏ lại phía sau" để họ được chăm lo đúng mực. Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi đề nghị mở rộng, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhà nước có thể đảm bảo nhóm yếu thế có cuộc sống đạt chuẩn, trong khi nhóm thương mại và doanh nghiệp lại có nhiệm vụ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là khi về già.
Đồng thời cần khuyến khích mạnh mẽ phát triển cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, từng bước mở rộng diện, điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công đối với người cao tuổi nhằm tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người cao tuổi…