Đáng chú ý, trên các quốc lộ QL.1, QL.12B, QL.18, QL.21, QL.27C, QL.37… và một số tuyến đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe... vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải trên các tuyến cao tốc. |
Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn còn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, lưu thông trên các quốc lộ và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Điển hình nhất là tình trạng xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên các tuyến QL.21 đoạn từ thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội); QL.37, QL.18, đoạn qua thị xã Chí Linh (Hải Dương); tuyến đường ven sông Đuống, Khu Công nghiệp Đại Đồng, Hoàn Sơn và ĐT.295, huyện Tiên Du (Bắc Ninh); tuyến đường liên xã Yên Thái – Yên Ninh (Thanh Hóa); tuyến đường Châu Pha - Tóc Tiên và xung quanh Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu)...
Bộ Công an, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực tế này. Trước mắt, trong tháng 3/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương củng cố lực lượng, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động. Đối với các địa phương chưa đưa Trạm KTTTX lưu động vào hoạt động trở lại, đề nghị khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng, đưa Trạm KTTTX lưu động vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Thanh tra các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.