Đây là nội dung nói về hành vi trốn đóng BHXH được quy định trong Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, chủ doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH từ 6 tháng trở lên (trốn đóng từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng, trốn đóng cho từ 10 đến dưới 50 người lao động) không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền 200 - 500 triệu đồng.
Từ 1/1/2018, doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ bị phạt từ với mức cao để tăng sức răn đe và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. |
Khi chủ doanh nghiệp phạm tội 2 lần trở lên, trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng, trốn đóng BHXH cho từ 50 đến dưới 200 người, không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động (theo quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 1, điều 216 BLHS 2015) sẽ bị phạt tiền 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Khi chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên, không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động (theo quy định tại điểm b hoặc điểm c, khoản 2, điều 216 BLHS 2015), bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 -7 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, phạt tiền 1 - 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, mức đóng BHXH bắt buộc gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.