Từ năm 2013, ngành “hot” sẽ phải đóng học phí cao

Những ngành như: Kinh tế, Tài chính… sẽ phải đóng học phí cao hơn những năm trước và tiến tới những trường đào tạo các ngành này sẽ được tự xác định mức thu học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện tự chủ học phí, dự kiến áp dụng ngay trong năm học 2013 - 2014.


Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD - ĐT cho biết, trong cơ chế thí điểm về đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của bậc giáo dục đại học có nhấn mạnh về việc một số ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như: Kinh Tế, Tài chính, Luật… Những ngành nghề này sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần từ năm 2013 để đảm bảo 50 - 90% chi phí đào tạo trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016.


Theo đề án thí điểm, các trường đại học, cao đẳng sẽ được phân chia thành 3 nhóm, bao gồm: nhóm tự đảm bảo kinh phí hoạt động, nhóm tự đảm bảo một phần kinh phí và nhóm do nhà nước chi trả toàn bộ. Nhóm 1 gồm 7 trường ĐH thuộc khối kinh tế, tài chính phải tự đảm bảo các chi phí hoạt động thường xuyên; nhóm 2 gồm 37 trường trong đó các trường sư phạm được ngân sách nhà nước đảm bảo từ 60 - 70% chi phí hoạt động thường xuyên; trường ĐH khối văn hóa - thể thao được 50 - 70%; ĐH khối nông - lâm- ngư nghiệp 30 - 50% và khối công nghệ - kỹ thuật được 20 - 40% hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Nhóm còn lại gồm 7 trường thuộc khối hữu nghị, trường vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ.


Ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hoá nhưng thuộc diện cần đào tạo như: Sư phạm, kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật... Nhà nước sẽ đặt hàng các trường theo hình thức cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng đầu ra. Ngược lại, đối với ngành có khả năng xã hội hoá cao như: kinh tế, tài chính ngân hàng, luật... sẽ giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách, cho phép trường tự xác định mức thu học phí từ sinh viên.


Theo cơ chế phân bổ ngân sách của Bộ GD - ĐT năm 2013, đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội: các trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ đào tạo. Trước mắt, thực hiện hạch toán đầy đủ chi phí tiền lương, từng bước tính chi phí khấu hao tài sản. Các trường được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc. Đồng thời, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính.


Trước thông tin này, nhiều trường khối ngành tài chính, ngân hàng đã có sẵn phương án cho trường mình. Tuy nhiên, theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, mặc dù trường đã xây dựng kế hoạch về việc tự chủ tài chính trong đó có tính đến phương án tăng học phí, nhưng việc tăng ra sao cũng cần phải phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tăng học phí quá cao sẽ không có người theo học.


“Đối với những trường không được hỗ trợ ngân sách vẫn cần phải có sự kiểm soát của phía Nhà nước. Đồng thời, các trường phải công khai tài chính, mức học phí minh bạch để người học lựa chọn, xã hội đánh giá. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi người học”, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ.


Bộ GD - ĐT cho biết, năm nay, đối với những ngành “hot”, ngoài việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh thì còn thêm việc tăng học phí. Đây là động thái nhằm cảnh báo tới thí sinh và gia đình là những ngành này trong tương lai sẽ bão hòa về nhu cầu sử dụng lao động và cần phải cân nhắc để theo học.

 

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN