Trong 3 năm qua, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô. Qua đó, không gian cũng phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch thành phố.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao giải đặc biệt về quy hoạch đô thị Quốc gia; nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và khách quốc tế ủng hộ, đồng thuận và đánh giá cao. Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành một thương hiệu, một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô.
Ngoài ra, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia các hoạt động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận rất đông (trung bình, ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối có khoảng 15.000 - 20.000 người); lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh; số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở.
Tuy nhiên, một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải; người dân đi tập thể dục bằng xe đạp trong tuyến phố đi bộ vào sáng sớm; tình trạng bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, dắt chó không có rọ mõm, câu cá trộm tại hồ Hoàn Kiếm vẫn còn tồn tại; nơi tổ chức trò chơi cho trẻ em như trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô điện chưa được tổ chức quy củ.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Hoàn Kiếm tập trung chỉ đạo khắc phục ngay các tồn tại trong hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Quận cũng khẩn trưởng triển khai dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần phụ cận Hồ Gươm như: Khu vực nhà hàng Thủy Tạ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, các trục đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm…
Một mặt, quận Hoàn Kiếm cũng thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức và hộ dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm treo hoa trên ban công các công trình, ngôi nhà. Các hộ dân và tổ chức nằm trong khuôn viên di tích đền Bà Kiệu cần sớm được di chuyển để giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đáp ứng được mong muốn của người dân và du khách.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tiếp tục nghiên cứu ý tưởng thả chim bồ câu của một số nhà khoa học đề xuất.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, phù hợp với thực tiễn và kết hợp hai khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.