Cuộc trò chuyện của tôi với chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh bên lề hội trường Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII về những kỷ niệm Trường Sa thật sự ấm áp.
Chị Tâm kể tôi nghe về chuyến đi đầu tiên của chị ra huyện đảo Trường Sa vào năm 2004, chuyến đi đã làm thay đổi lớn suy nghĩ, hành động của chị. Ra đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống của anh em bộ đội thời đó rất khó khăn, rau xanh ít, nước ngọt thiếu, điện thiếu, không điện thoại, tivi... nhưng vẫn thấy ở các chiến sĩ ngời sáng sự lạc quan trước cuộc sống khó khăn, ý chí kiên cường bám biển giữ gìn chủ quyền quốc gia của cán bộ chiến sĩ không màng khó khăn gian khổ. “Thực tế này đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Mình sống trong đất liền với bao điều kiện thuận lợi vẫn cảm thấy khó khăn. Trong khi anh em sống khó khăn vẫn cảm thấy lạc quan yêu đời, sẵn sàng chiến đấu”, chị Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Quyết Tâm trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo (áo tím). |
“Lúc khởi hành chuyến đi, mình nghĩ ra để động viên anh em. Nhưng sau khi thấy anh em sống như vậy, tự nhiên bản thân phải suy nghĩ lại để sống và hành động sao cho xứng với những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là bài học sau chuyến đi Trường Sa đầu tiên và từ đó đến giờ luôn chi phối tôi trong hành động, suy nghĩ, hoạt động; luôn chiếm vị trí quan trọng trong những gì tôi làm sau này”, chị Nguyễn Thị Quyết Tâm tâm sự.
Năm 2012, chị Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục ra thăm các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn. Sau 8 năm ra thăm lại huyện đảo Trường Sa, ấn tượng của chị là sự phát triển của các đảo, tiềm lực và điều kiện sống nơi đây đã được cải thiện nhiều. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của đất liền với đảo. Còn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn thì vẫn lạc quan, yêu đời, kiên cường chấp nhận khó khăn sống và làm việc.
Chị Nguyễn Thị Quyết Tâm trao quà cho gia đình cô giáo Nhung, đảo Trường Sa Lớn. |
“Điều tôi ngỡ ngàng là rau xanh trên đảo trồng nhiều, heo nái heo con, đu đủ sai trái, quả dài, to, còn rau mồng tơi lá to 2 bàn tay... Nhưng ấn tượng lớn nhất là tiếng gà gáy trưa và cũng là tựa đề trong bài thơ cảm nhận viết về chuyến đi khi tôi nghe tiếng gà gáy trưa. Nghe tiếng gà ở đất liền thể hiện sự thanh bình nhưng nghe tiếng gà gáy ở đảo thì thấy có gì đó thiêng liêng. Nhìn vào sự phát triển của các đảo Trường Sa càng có niềm tin vào anh em”, chị Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.
“Với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi đã có những ý kiến đóng góp về các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho ngư dân bám biển; cho lực lượng quân đội đang làm nhiệm vụ tại các đảo được vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên vùng biển, vùng trời của Tổ quốc”, chị Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ. |
Những chuyến đi ra thăm các đảo Trường Sa như nối đất liền với Trường Sa. “Đối với tôi, Trường Sa không xa, Trường Sa rất gần, điều kiện sống gần với đất liền, điện đầy đủ, có điện thoại liên lạc với đất liền, nước ngọt khá hơn...”, chị Tâm chia sẻ.
Chia tay tôi, chị Tâm gửi tặng lại tôi bài thơ về cảm nhận về Trường Sa trong chuyến công tác năm 2012 của chị với tựa đề “Trường Sa trong tôi”:
Trường Sa ơi
Đảo có gì mà tôi yêu đến thế
Từng ngọn rau xanh,
Hòn đá,
Tiếng gà trưa,
Làn da sạm nắng, cái bắt tay siết chặt...
Thổn thức lòng tôi,
Tình lính đảo xa nhà
Giữa biển khơi mênh mông, bốn bề sóng vỗ
Anh lính trẻ nhìn tôi,
Tôi nhìn ra lẽ sống,
Bài học làm người, tôi cảm được nơi đây
Giản dị, đơn sơ mà sâu đậm nghĩa tình
Bởi anh cho nhiều nên lòng tôi nặng mãi
Nay xa đảo rồi,
Vẫn thương hoài,
Nhớ hoài
Ánh mắt cười, riêng có ở lính đảo Trường Sa
Bài và ảnh: Xuân Minh