Triều cường kỷ lục gây ngập trên diện rộng

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường ngày 17/10 đo được tại trạm Nhà Bè và Phú An lên mức 1,60 -1,62 m (cao hơn báo động 3 từ 0,10 - 0,12 m) và cao hơn mực nước cao nhất năm 2011 từ 0,01- 0,03 m.

 

Trong khi đó, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ lên mức 2,08 - 2,10 m (cao hơn báo động 3 từ 0,18 - 0,20 m) và trạm Mỹ Thuận lên mức 1,88 - 1,90 m (cao hơn báo động 3 từ 0,08 - 0,10 m). Triều cường đạt đỉnh đã gây ngập úng trên diện rộng ở TP.HCM và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Đợt triều cường được xem là vượt đỉnh vào ngày 17/10 đã khiến các quận 6, 7, 8, bị ngập nặng và một phần quận 2, 5, 11, Bình Thạnh, Thủ Đức của TP.HCM bị ngập cục bộ, phải mất từ 3 - 5 giờ nước mới rút hết (theo đợt triều cường: sáng từ 4 - 7 giờ và chiều từ 16 -19 giờ). Nhiều tuyến đường chính của khu vực quận 7 như Lâm Văn Bền, Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát... đã bị ngập sâu, có nơi lên đến hơn 0,5 m. Tại quận 6 và 8, các tuyến đường cặp các tuyến sông Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Lò Gốm... có nơi ngập sâu đến gần 1 m nước.

 

Tại quận 5, triều cường đã gây ngập toàn bộ bến xe Chợ Lớn và các tuyến đường lân cận khiến hành khách đi xe buýt tại đây phải xắn quần bì bõm lội nước. Bên cạnh đó, do khu vực này tập trung buôn bán các loại nông sản nên các tiểu thương phải tìm nhiều cách kê kích hàng hóa. Tại các tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Nguyễn Văn Luông (quận 6) và Hòa Bình, Lãnh Binh Thăng, Tôn Thất Hiệp (quận 11) nước ngập đến nửa bánh xe máy khiến nhiều người phải đẩy bộ do xe chết máy.


Nhiều điểm vá xe và người dân tận dụng dịp này làm dịch vụ lau chùi bu gi hoặc đẩy xe qua điểm ngập với giá 15.000 - 20.000 đồng/lượt. Các tuyến đường như Ngô Tất Tố, Ung Văn Khiêm, D2, Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2)... cũng bị ngập từ 0,2 - 0,5 m. Trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), thủy triều cũng đã nhấn chìm hầu hết các tuyến đường trong các khu dân cư mới ven sông Sài Gòn, trong đó có khu dân cư Thành ủy trên đường số 18.


Đợt triều cường này cũng khiến một số tuyến đường, khu vực chưa bao giờ bị ngập do triều cường như Nguyễn Chí Thanh, Ngô Quyền (quận 5), Nguyễn Văn Quá (quận 12), khu vực Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình)... cũng bị ngập. Theo chị Thu Thảo, nhà ở chung cư ngân hàng (quận 7), trong hai ngày qua, triều cường đã gây ngập trên diện rộng trên địa bàn quận 7. “Từ trước đến nay chưa bao giờ chung cư ngân hàng bị ngập do mưa hay triều cường, thế nhưng đợt triều cường hôm qua đã gây ngập toàn bộ. Các tuyến đường xương cá xung quanh khu vực và các hẻm dù vài năm nay đã được nâng cao nhưng vẫn bị ngập từ 0,2 - 0,3 m”. Do thời điểm triều cường gần trùng với giờ cao điểm sáng và chiều nên tình trạng ùn ứ xe đã xảy ra trên các tuyến đường bị ngập.

 

Đợt triều cường cao điểm ngày 17/10, cũng đã khiến khu vực chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) bị ngập sâu trong nước khoảng 0,4 - 0,5 m. Nhiều khu vực tại phường Chánh Nghĩa (thành phố Thủ Dầu Một) cũng bị chìm sâu khoảng 0,5 m trong nước. Theo các tiểu thương chợ Thủ Dầu Một, chưa năm nào triều cường dâng cao như năm nay.


Không chỉ gây ngập úng cho TP.HCM và Bình Dương, triều cường cũng đã gây ngập úng trên diện rộng ở một số tỉnh ĐBSCL. Tại Bạc Liêu, liên tục trong 2 ngày qua triều cường dâng cao đã làm ngập một số tuyến đường dân sinh, chợ, nhà cửa của nhiều hộ dân sống ven các cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào và các chợ vùng trũng nằm trên địa bàn huyện Giá Rai, Đông Hải…


Tuyến đường “độc đạo” Cao Văn Lầu - nối cửa biển Nhà Mát vào nội đô thành phố Bạc Liêu, đã ngập nhiều đoạn, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhất là học sinh đến trường. Hiện có khoảng 125.000 ha nuôi tôm, 3.000 ha làm muối nằm dọc trên tuyến đê Biển Đông, gần các cửa biển, sông lớn và hàng chục ngàn hộ dân, nhiều trụ sở nhà nước, công trình dân sinh, chợ nằm ở vùng trũng, thấp đang có nguy cơ ngập nước, tràn bờ, vỡ bờ bao rất lớn. Ngoài ra, triều cường có khả năng thấm thấu qua hệ thống cống đập, lấn sâu vào kênh nội đồng, tràn qua các đoạn đường trũng, thấp trên tuyến quốc lộ 1A, xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa phía bắc, làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân.


Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố như: Đại lộ Hòa Bình, Lý Tự Trọng, quốc lộ 91B, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... cũng bị ngập sâu từ 0,3 - 0,5 m. Ngoài ra còn có nhiều tuyến hẻm bị ngập sâu ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân. Để đảm bảo an toàn giao thông khi triều cường lên cao, Công an TP Cần Thơ đã bố trí lực lượng túc trực, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường bị ngập, đặc biệt là ở các điểm giao nhau (ngã ba, ngã tư giao thông). TP Cần Thơ cũng yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra và bố trí lực lượng là dân phòng, công an, bộ đội túc trực, nhanh chóng gia cố các đoạn đê bao xung yếu ven bờ sông Hậu và các sông nhánh sông Bình Thủy, sông Cái Răng và đê bao các cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái Khế, có phương án bảo vệ người và tài sản của nhân dân.


Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường vẫn còn lên cao trong ngày hôm nay (18/10) và sau đó sẽ hạ dần, đến ngày 20/10 sẽ kết thúc đợt triều cường của tháng 10/2012.



Bài và ảnh: M.T - Q.Thái

Triều cường làm vỡ đê bao tại Cù Lao Dung
Triều cường làm vỡ đê bao tại Cù Lao Dung

Do ảnh hưởng của đợt triều cường lớn nhất trong năm nên đến cuối ngày 17/10, tại huyện Cù Lao Dung- huyện cù lao nằm giữa sông Hậu giáp với cửa biển của tỉnh Sóc Trăng đã có 30 đoạn đê bao bị vỡ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN