Trẻ bị bạo hành sẽ để lại di chứng tâm lý suốt đời

Nếu bị bạo hành dã man, những di chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí tuệ, tâm lý sẽ còn đeo đẳng trẻ suốt đời.

Trẻ em bị bạo hành, đánh đập trẻ chịu tổn thương cả thể xác và tinh thần suốt cuộc đời.

Mấy ngày gần đây, sự việc bé Trần Gia K. (10 tuổi), bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành đến chấn thương sọ não, gãy xương sườn đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Suốt 2 năm ròng, người cha ruột đã hành hạ đứa con trai 10 tuổi đến mức trên người đứa trẻ chi chít những vết sẹo.


Ngày 6/12 vừa qua bé Trần Gia K. đã được đưa vào khám tại bệnh viện E trong tình trạng đau đầu, đau nhiều vùng lưng hai bên. Khi nhập viện, bé K. được theo dõi chấn thương sọ não, chụp CT phần não, X quang ngực và siêu âm ổ bụng.


Bác sĩ Đồng Hà Trung, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết: Sau các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có những chấn thương kín, có tổn thương xương sườn đến 70%. Hiện, tình trạng bệnh nhân không nguy hiểm đến tính mạng nhưng trên cơ thể có rất nhiều chấn thương phần mềm, cả cũ lẫn mới. Những vết thương mới đã được các bác sĩ xử lý, khâu vết thương. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.


Theo các bác sĩ, hành động bạo hành của người cha chắc chắn sẽ để lại những di chứng nặng nề cho đứa trẻ.


Theo Tiến sĩ Tâm lý Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) : Bất kỳ ai khi  bị bạo hành đều sẽ gặp phải cú sốc rất lớn về tâm lý và sẽ để lại di chứng không chỉ về thể xác, mà còn về tinh thần, cú sốc đó sẽ theo họ đến hết cuộc đời. Với trường hợp người bị bạo hành là trẻ em,  những hậu quả gây ra con lớn hơn rất nhiều, dẫn đến bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của đứa trẻ, nhất là về trí tuệ. \


Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, đứa trẻ bị bạo lực sau này lớn lên dễ bị mất tự trọng, sống tự ti, hoặc có thể bạo hành người khác hoặc có những hành vi trái pháp luật. Bởi bản thân đứa trẻ cho rằng việc bị đánh hoặc hành động đánh người khác là bình thường. Thậm chí đứa trẻ đó còn dễ sinh ra tâm lý chống đối, né tránh xã hội, dễ vi phạm vào những chuẩn mực đạo đức nếu không được can thiệp kịp thời.


Theo TS Hà, các nghiên cứu về tâm lý đã chỉ ra, đa số những người bạo hành người khác hoặc các tội phạm, cuộc sống của họ trong quá khứ  đều đã từng chịu bị bạo hành. Những đứa trẻ bị bạo lực và bị đánh thường xuyên rất dễ phải chịu cuộc sống mặc cảm, tự ti, lệ thuộc vào người khác. Sau những lần bị đánh, nếu bức xúc không được giải tỏa, đứa trẻ sẽ luôn trong trạng thái lo âu, dễ bị rơi vào những cơn hoảng loạn, phát sinh bệnh trầm cảm do bị sang chấn tâm lý quá mạnh.


Ngoài những ảnh hưởng về lâu dài, ngay hiện tại, khi phải chấp nhận cuộc sống bị bạo lực, đứa trẻ sẽ trở nên rụt rè, kém cỏi, mất đi lòng tự trọng của bản thân. Bên cạnh đó, còn khó hòa nhập với xã hội, cảm thấy mình bị thừa ra, việc tồn tại của mình là vô nghĩa.


TS. Hà cũng cho rằng, việc trẻ bị bạo hành bởi ai đó trong xã hội hay người thân, thì có sự tác động là như nhau. "Tuy nhiên về mặt đạo đức, việc đứa trẻ bị bạo hành bởi người thân nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi nếu đứa trẻ bị bạo hành bởi một người ngoài thì vẫn còn có gia đình, bố mẹ là nơi dựa dẫm, bảo vệ tinh thần. Nhưng chính bố, mẹ là người thân thiết nhất lại đánh đập, hành hạ thì đương nhiên đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái cô lập, cảm thấy mình không có giá trị trong cuộc sống và ngoài những tổn thương về thể xác thì những tổn thương về tâm lý là vô cùng nghiêm trọng", TS Hà nhấn mạnh.



Tạ Nguyên/báo Tin tức
Vụ việc bé trai 10 tuổi bị bạo hành: Có thể phạt tù đến 3 năm
Vụ việc bé trai 10 tuổi bị bạo hành: Có thể phạt tù đến 3 năm

Những ngày qua, vụ việc người bố cùng vợ kế bạo hành chính đứa con trai 10 tuổi của mình trong thời gian dài tại Hà Nội mà không người thân, hàng xóm, đại diện chính quyền phát hiện xử lý... đã gây bức xúc dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN