Trào dâng những ký ức về một thời hào hùng của dân tộc

Chiến trường năm nào không còn bom đạn, thay vào đó những tòa cao ốc hiện đại, những con đường nhộn nhịp, đông vui, cuộc sống thực sự đã sang trang ở TP Hồ Chí Minh.

Những đổi thay đó đã khiến biết bao cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 bồi hồi, rạo rực ngày trở lại sau 50 năm. Xen lẫn trong niềm tự hào của những chiến sĩ ngày nào còn là niềm xúc động khôn nguôi khi nhớ về những đồng đội một thời đã ngủ ngon trong lòng đất mẹ.

Hòa trong dòng cựu chiến binh tiêu biểu tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn về thăm TP Hồ Chí Minh, ông Trần Xuân Lễ, lính thông tin của tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, lặng lẽ ngắm lại những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến tích chiến tranh (Quận 3, TP Hồ Chí Minh). Trưa 30/4/1975, trong không khí bách chiến bách thắng, tiểu đoàn 9 tiến vào Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay), nhìn lá cờ Giải phóng ngạo nghễ tung bay trên nóc Dinh, ông Lễ và đồng đội của mình vỡ òa trong dòng cảm xúc sung sướng, tự hào vì đã đất nước đã thực sự hòa bình, độc lập.

“Khi vào trong Dinh Độc Lập, các chú rất xúc động, không nói nên lời, nghĩ về gia đình, nghĩ về đồng đội, đồng chí của mình, hai hàng nước mắt trào dâng, thương xót những đồng đội ra đi ngay trước giờ giải phóng. 50 năm trở lại, Thành phố đã thay đổi rất nhiều”, ông Trần Xuân Lễ xúc động chia sẻ.

Chung tâm trạng bồi hồi trở về chiến trường xưa, ông Mã Tư Lý, đến từ tỉnh Cao Bằng vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975. Khi đó ông là bộ đội đặc công, chiến đấu từ Long An tiến vào Sài Gòn. Sáng 30/4/1975, khi đơn vị ông tiến đánh vào khu vực ngoại thành Thành phố, rất nhiều xe tăng treo cờ giải phóng chạy trên đường, lúc đó ông mới biết quân ta đã dành chiến thắng. Hạnh phúc trào dâng, tôi và  đồng đội lúc bấy giờ chưa dám tin đó là sự thật.

Được trở lại thăm Thành phố mang tên Bác trong những ngày lịch sử, ông Mã Tư Lý vô cùng toại nguyện, thấy thành quả của hôm nay hoàn toàn xứng đáng với những hi sinh, mất mát, gian khổ của thế hệ ông.

Chú thích ảnh
Các cựu chiến binh và thế hệ trẻ chụp ảnh bên mô hình xe tăng tại Dinh Độc Lập.

Trở lại TP Hồ Chí Minh hôm nay, các cựu chiến binh như đi trên chuyến tàu thời gian, với những thước phim quay thật chậm về những ngày gian khổ nhưng hào hùng khí thế. Trên chuyến tàu ấy, kỷ niệm về đồng đội, đồng chí đã ngã xuống lại ùa về.

Ông Hoàng Xuân Sinh, chiến đấu tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ ngày 26 - 30/4/1975 nhớ lại. Đơn vị của ông được lệnh thần tốc đánh và chiếm căn cứ Đồng Dù, được mệnh danh là “cánh cửa thép” phía Tây Bắc Sài Gòn (nay thuộc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Khi đơn vị đang truy quét tàn quân thì được thông báo giải phóng rồi, ông và đồng đội đã hát vang bài ca “Tiến về Sài Gòn” và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. 

“Những người lính lăn lộn bao năm, chiến đấu từ chiến trường Tây Nguyên xuống tới Sài Gòn, trong phút giây đất nước thống nhất, non sông liền một giải, chúng tôi rất tự hào góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, càng tiếc thương đồng đội mình”, ông Sinh nghẹn ngào chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đoàn cựu chiến binh tỉnh Lai Châu thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND TP Hồ Chí Minh đã đón khoảng 1.300 cán bộ, chiến sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh về thăm lại chiến trường xưa. Các chiến sĩ ngày nào sẽ trải nghiệm đi tàu điện ngầm metro, ngắm Thành phố từ những chiếc xe buýt hai tầng, từ xe buýt đường sông, hay trên những tòa cao ốc,… Thành phố hôm nay không còn dấu tích của chiến tranh nhưng những kỷ vật ngày nào, những công trình biểu tượng và ký ức về một thời chiến đấu gian khổ, sục sôi của dân tộc vẫn là bản hùng ca trong những câu chuyện của những cán bộ, chiến sĩ, những người làm nên mùa xuân của dân tộc.

Tiếp đón và dành tình cảm sâu sắc cho các cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền Tổ quốc về thăm TP Hồ Chí Minh trong những ngày lịch sử này là hoạt động thể hiện lòng tri ân, khắc ghi của Thành phố với công lao, sự hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, mà còn là dịp để truyền cảm hứng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, sống, học tập và cống hiến, dựng xây TP Hồ Chí Minh và đất nước, xứng đáng với sự hi sinh của các bậc cha, anh.

Bài, ảnh: video: Hương Giang (TTXVN)
Hà Nội rực rỡ sắc cờ Tổ quốc chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Hà Nội rực rỡ sắc cờ Tổ quốc chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Những ngày tháng 4 lịch sử, trên nhiều đường phố, trong những con ngõ nhỏ của Hà Nội rực rỡ sắc cờ đỏ sao vàng hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Hình ảnh lá cờ Tổ quốc đối với mỗi người dân Việt Nam mang ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc, là biểu tượng của lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN