Trăn trở làng gốm Thanh Hà

Nằm cách thành phố Hội An 3 km về hướng Tây, được hình thành từ cuối thế kỷ 15, làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), trước kia được nhiều người biết đến là một ngôi làng thịnh vượng, nổi tiếng về các mặt hàng gốm. Một chiều cuối năm về làng gốm, vài cơn mưa phùn lất phất, không khí tĩnh mịch, lạnh lẽo bao trùm cả làng gốm. Con đường vắng vẻ bước chân người qua lại, chỉ có vài tiếng lá rơi và cũng chỉ có vài cái đầu thập thò sau cánh cửa, khi có người lạ đến.

 

Miệt mài bên mẻ gốm.


Khác với những năm trước, cuối năm là thời điểm rôm rả đầy tiếng nói cười, và là thời điểm mà nhiều hộ ở làng gốm Thanh Hà “ăn nên làm ra” nhất.

Nhưng năm nay, làng gốm vắng tanh, không một ngọn lửa nung lò, những thợ gốm đa phần kiếm sống bằng nghề khác. Thế hệ con cháu của làng gốm, hầu như không có ai chịu kế thừa nghề truyền thống này. Bởi “nghề gốm vừa cực khổ, lại không kiếm ra tiền để đáp ứng nhu cầu cuộc sống như hiện nay”- một nghệ nhân gốm khẳng định.

 

gốm chờ người...


Toàn bộ làng gốm Thanh Hà có hơn 20 hộ làm gốm. Chị Nguyễn Thị Hường (45 tuổi, trú tại khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An) cho biết: “Mùa mưa chúng tôi ít làm gốm, vì không thể phơi được, và cũng ít du khách đến thăm, nên chỉ lác đác một số hộ còn mặn mà với nghề gốm. Nhưng sau khi làm xong, các sản phẩm từ gốm chỉ để đó... ngắm chơi! Thu nhập lay lắt, chỉ 70.000 đồng/1 ngày, không thể sinh sống được với giá cả như hiện nay, nên đã có một số người bỏ nghề”.


Con đường lát gạch ngoằn nghoèo, dẫn vào làng gốm thêm phần hiu quạnh vì thiếu bóng khách tham quan, thiếu cả những bàn tay của người thợ gốm ngày đêm miệt mài bên lò nung, bên những chiếc bàn xoay. Những bếp lửa lạnh tanh, mưa làm dột nát một vài chỗ, các sản phẩm gốm làm ra từ trước đó nằm xếp hàng trơ ra, đợi mùa nắng về.

 

Làng gốm vắng người, chỉ có vài đứa trẻ

 

Trước cơn lốc của thị trường, thu nhập của nghề gốm không đủ để trang trải cuộc sống, cộng với đầu ra bấp bênh, nên có nhiều hộ làm gốm không còn tha thiết với nghề sản xuất gốm. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập quá thấp, nên đã từ bỏ nghề và đổ dồn về các khu công nghiệp để làm thuê.


Sản phẩm gốm dường như không còn phù hợp với thị trường như hiện nay nữa, gốm chỉ dùng trong các việc như đốt than, hơ háp phục vụ cho sinh hoạt của người dân quê. Trước sự đa dạng của vật dụng bày bán trên thị trường vừa rẻ lại vừa đẹp, và nhất là hàng hóa của Trung Quốc đang tràn lan, nên sản phẩm gốm nhiều khi không còn là sự lựa chọn của người dân như trước đây.


Ông Nguyễn Văn Xê (57 tuổi, trú tại phường Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam), chủ một xưởng gốm ở Thanh Hà, rầu rĩ cho biết: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm gốm. Vì gốm sản xuất hàng loạt, có khi mấy tháng vẫn không có đầu ra, chỉ bán loanh quanh ở phố cho khách du lịch. Thu nhập bấp bênh, cộng với sự ép giá của dân buôn, nên chúng tôi chỉ biết sống lay lắt với nghề. Nhưng điều làm chúng tôi trăn trở và lo lắng nhiều nhất, đó là việc truyền lửa nghề cho thế hệ sau. Vì hầu như không có con em nào chịu kế thừa nghề làm gốm”.

 

Làng gốm xập xệ vì sản phẩm không có đầu ra.


Cả làng có hơn 20 hộ làm gốm, người cao tuổi nhất là 83 tuổi, người thấp tuổi nhất là... 40 tuổi! Hầu hết thế hệ trẻ trong làng gốm, sau khi tốt nghiệp xong đại học, cao đẳng liền đi lập nghiệp ở các thành phố lớn. Số còn lại tập trung ở các phân xưởng, chế xuất để làm công nhân, khuân vác. Chỉ còn những mái tóc bạc, lấp ló với nia tò he, với vài bức tượng đất. Làng gốm vắng tanh, sự nhộn nhịp, sầm uất của không khí mấy mươi năm về trước, giờ chỉ còn lại trong dĩ vãng.


Hơn nữa, sản phẩm gốm không còn đa dạng như trước, vì dù làm ra nhiều cũng sẽ không tiêu thụ được. Bên cạnh những mặt hàng gốm như tò he, tượng gốm, bình trà, chén, bát, chum, vại… Một số hộ làm thêm ngói âm dương, để phục vụ việc trùng tu phố cổ, mong kiếm thêm thu nhập. Còn những sản phẩm khác, chỉ biết nằm lặng lẽ trong góc nhà, ngoài hiên để chờ người đến mua.


Chị Lê Thị Xuân (41 tuổi, trú tại phường Sơn Phong, Hội An) cho biết: “Trước đây tôi cũng là thợ làm gốm. Nhưng thu nhập bấp bênh lắm, trời nắng thì làm, trời mưa thì nghỉ. Lâu lâu mới có đợt khách du lịch viếng thăm, trông chờ vào mấy đồng lương làm gốm thì không đủ ăn, nói chi đến việc cho con cái ăn học. Bây giờ, tôi cùng chồng làm ở các công trường để kiếm sống qua ngày”.


Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An. Nhưng sự khó khăn khi tìm đầu ra, thu nhập bấp bênh, và sự chối từ khi kế thừa nghề truyền thống cha ông để lại cho thế hệ mai sau, là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước bờ vực bị mai một rồi xóa sổ.


Bài và ảnh: Thanh Trầm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN