Theo một khảo sát thị trường về hàng giả do Công ty Nielsen và Tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thực hiện, 47% hàng mỹ phẩm ở Hà Nội là hàng giả.
Thông tin trên đã được Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố Hà Nội (Ban chỉ đạo 127) dẫn ra tại hội thảo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp lực lượng tuyên truyền phòng ngừa kiểm tra, xử lý mỹ phẩm không có nguồn gốc và chất lượng lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
Hiện Hà Nội có 318/788 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, chiếm gần 31% số cơ sở trên toàn quốc. Trong đó có 268 cơ sở chiếm 85,3% kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu; 46 cơ sở sản xuất mỹ phẩm chiếm gần 15%.
Về đơn vị chuyên kinh doanh về mặt hàng này có khoảng 475 cửa hàng (không kể các đơn vị kinh doanh có kèm theo cả mỹ phẩm, trên 100 cở sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung chủ yếu tại các địa bàn các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy…). Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Chùa Bộc… là nơi cung cấp các loại mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như Lancome, MAC, Dior, Shiseido… với đủ sản phẩm là phấn má, kem dưỡng da, sữa rửa mặt. Nhưng giá của các sản phẩm này khá rẻ, chưa tính đến việc nếu khách mua hàng sẽ được khuyến mại giảm giá từ 45 – 55%.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã chính thức khẳng định các cửa hàng giảm giá 50 - 55% hoặc “mua 1 tặng 1” các sản phẩm của Lancome, Maybelline, L’Oreal Paris… đều là giả mạo nhưng các cửa hàng này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Kết quả khảo sát tại một cửa hàng cỡ trung bình bán mỹ phẩm nằm trong khu vực trung tâm của quận Hoàn Kiếm còn cho thấy, dù chỉ có diện tích mặt bằng không tới 50 m2 nhưng mỗi ngày ít nhất cũng có tới vài trăm lượt khách.
Mỹ phẩm tại đây có đủ loại từ những thương hiệu được sản xuất trong nước tới những sản phẩm nhập khẩu được coi là hàng “xịn” có xuất xứ từ Mỹ và châu Âu. Song người mua hàng chủ yếu chỉ quan tâm đến nhãn hiệu, khuyến mại và mùi thơm của sản phẩm. Còn chất lượng của sản phẩm thì khách hàng vẫn tin vào người bán hàng được cho là "quen".
“Hậu quả là mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh do sử dụng hóa mỹ phẩm tại Viện Da liệu Hà Nội”, ông Trịnh Quang Đức, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.
TTXVN/Tin Tức