Hiểm họa khôn lường từ mỹ phẩm không an toàn

Vì thiếu hiểu biết, nhiều người đã “chạy theo” mỹ phẩm một cách quá đà, dẫn tới hậu quả “tiền mất tật mang”.

Con dao hai lưỡi

Ngày nay, mỹ phẩm hiện diện rất nhiều trong đời sống. Đó là kem đánh răng, nước súc miệng, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, mỹ phẩm dưỡng tóc, sơn móng tay, son môi, kem chống nắng… Người tiêu dùng (NTD) cần có kiến thức đúng về chức năng cũng như cách sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt cần lưu ý về nguy cơ “con dao hai lưỡi’ của các sản phẩm này.

Nhiều người tiêu dùng ham rẻ mua những mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lê Phú


TS.BS Lê Ngọc Diệp – Giảng viên Khoa Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Có một số độc chất như: Sodium lauryl sulfate thường có trong kem đánh răng, dầu gội đầu, sữa tắm, nước súc miệng… được xem là nguy hiểm nhất trong các chất hữu cơ dùng để sản xuất mỹ phẩm; Polyethylene glycon sử dụng trong kem dưỡng da, chống khô da gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể; Propylen glycon có trong son môi, thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, khử mùi, kem đánh răng ảnh hưởng xấu lên gan, não, thận… Ngoài ra còn có một số hóa chất phổ biến gây hoặc nghi ngờ gây ung thư như: Phthalates có trong sơn móng tay, son môi và nước hoa có thể ảnh hưởng tới gan, thận và phổi, tim, huyết áp, nhất là sự phát triển bào thai và trẻ sơ sinh; Parabens là hóa chất thường được sử dụng như chất bảo quản trong nhiều mỹ phẩm, trong đó có sản phẩm khử mùi. Chất này được xác định có nhiều trong các mô của phụ nữ bị ung thư vú…

Không chỉ thế, tại Việt Nam cũng rất phổ biến việc dùng các sản phẩm có chứa corticoid làm trắng, trị nám hay trị mụn trứng cá. Lúc đầu dùng thấy da trắng hơn, mịn hơn nên nhiều người nghĩ rằng hiệu quả, tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, trên da xuất hiện hiện tượng giãn mạch, ngứa, đỏ, trứng cá mụn mủ bộc phát, da mỏng đi, teo da, nám nặng hơn…

Số đông NTD hiện nay chưa hiểu biết về an toàn mỹ phẩm, vì ham rẻ và nhầm tưởng những sản phẩm này có hiệu quả thật, nên đã sử dụng các sản phẩm truyền tay, quảng cáo truyền miệng và vì những sản phẩm tự bào chế. Chị Nguyễn Thị Hiền (quận Tân Bình) là một trong những nạn nhân của việc thiếu hiểu biết bày tỏ: “Nghe lời giới thiệu từ bạn bè, tôi thường hay mua nhiều loại kem ngoài chợ với giá rất rẻ (khoảng 7.000 - 8.000/hộp), sau đó trộn chung lại với nhau gọi là kem trộn hay kem bảy màu, lúc đầu dùng thấy da trắng ra nên ngày nào tôi cũng bôi kem với mong muốn da trắng nhanh nhưng sau 3 tháng dùng thử tôi thấy da sần sùi, yếu hẳn đi và còn bị nám nữa”.

Quản lý lỏng lẻo

Chưa bao giờ “cơn bão” hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm lại tràn ngập trên thị trường nhiều như hiện nay. Điều này không chỉ khiến NTD thiệt thòi vì bỏ tiền ra mua hàng hóa không đúng với chất lượng, mà còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo DS. Phan Đức Bình – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD, mỗi loại mỹ phẩm thường chứa từ 7 đến 15 hóa chất (các chất có hoạt tính trên da, các chất màu, chất tạo dáng, tạo dạng, các chất bảo quản, chất mùi, chất cầm mùi…). Chỉ riêng các chất cầm mùi, đã có thể gây dị ứng, ung thư, nhất là gây rối loạn nội tiết tố. Luật dán nhãn hiệu các nước đều có bắt buộc ghi mọi thành phần trong mỹ phẩm theo thứ tự chất nào nhiều nhất thì ghi trước và kế đến là các chất theo thứ tự ít dần. Thế nhưng luật lệ ở nước ta còn lỏng lẻo, nên nhiều cơ sở sản xuất chỉ ghi lấy lệ những chất mà họ muốn nhấn mạnh.

Còn theo TS.BS Lê Ngọc Diệp, cơ quan nhà nước cũng chỉ có chức năng hậu kiểm tra, hoàn toàn không có thẩm quyền đánh giá các sản phẩm trước khi ra thị trường, cho nên phần lớn sản phẩm không có kiểm dịch của phía cơ quan quản lý. Không chỉ thế, trình độ in ấn bao bì, nhãn mác, mẫu mã ngày càng tinh vi khiến việc phân biệt hàng thật và hàng giả bằng cách nhìn qua hình thức bên ngoài không hề đơn giản. Thậm chí, theo như ông Lý Ngọc Thắng – Đội trưởng Đội 3A chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tận dụng sự phát triển khoa học kỹ thuật, trình độ làm hàng giả của các cơ sở sản xuất có khi còn đẹp hơn cả hàng thật, sản phẩm giả lại dán tem chống hàng giả trong khi hàng thật lại không có. Trong khi đó, tại Việt Nam lại chưa có hệ thống cảnh báo an toàn mỹ phẩm trong nước, hệ thống phòng thí nghiệm kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía cơ quan thực thi lẫn nhà sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và cả NTD. Cộng với tâm lý dễ dãi của NTD, mỹ phẩm giả vẫn được tiêu thụ mạnh.

Việt Âu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN