Trách nhiệm chính quyền xã với BHYT theo hộ

Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện trước đây phải chuyển tham gia đóng BHYT bắt buộc theo hộ. Để làm được điều này, chính quyền cơ sở có vai trò rất quan trọng nhưng thực tế nhiều nơi mới dừng ở mức thống kê danh sách.

Tuyên truyền vận động là chính

Từ khi triển khai thu BHYT theo hộ gia đình, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dành riêng một quầy cho đại lý bán BHYT, có nhân viên chuyên trách thu BHYT và tư vấn cho người dân. Để tạo điều kiện cho người dân, phường tổ chức thu BHYT vào tất cả các ngày trong tuần, ai có nhu cầu đóng BHYT thì đến đại lý BHYT tại phường, được phát tờ rơi hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về hình thức đóng, quyền lợi, mức phí tham gia...

Một người dân đến đóng bảo hiểm cho biết: “Đợt này gia đình tôi đóng 6 tháng tiếp theo cho 3 người, thủ tục cũng khá đơn giản. Từ khi phường có đại lý thu BHYT cũng thuận tiện hơn cho người dân, ai muốn đóng thì tới đây để được giải thích và tìm hiểu thông tin. Nhiều người chưa có ý định tham gia, nhưng khi đến phường làm việc khác, cũng được vận động tham gia BHYT”.

Người dân chật vật lấy thuốc theo diện BHYT.

Chị Phan Thị Minh Hiền, nhân viên thu BHYT ở phường Phố Huế cho biết, người dân vẫn chưa thực sự thích ứng với phương thức thu bảo hiểm theo hộ gia đình, phần lớn vẫn chỉ muốn đóng riêng cho người già, người bị bệnh... Từ tháng 1/2015, khi bắt đầu triển khai thu theo hình thức mới, số lượng người tham gia BHYT có chiều hướng giảm đi. Tuy nhiên việc đóng BHYT là tự nguyện, phường cũng chỉ dừng ở hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia thông qua các bản tin trên loa truyền thanh phường.

Còn xã Khánh Dương, (Yên Mô, Ninh Bình) tiến hành thu BHYT theo hình thức ai có nhu cầu tham gia BHYT thì đến nộp thông qua Ban Lao động, Thương binh, Xã hội xã. Theo cán bộ thu BHYT tại đây, đã có khoảng 70% hộ gia đình tham gia BHYT.

Để tăng cường số lượng người dân tham gia BHYT, tại xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT theo hộ gia đình”. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 (8/2014 - 8/2015) đã được các chuyên gia đánh giá tốt về khả năng đảm nhiệm chức năng quản lý đối tượng BHYT bằng việc phân công trách nhiệm minh bạch tại chính quyền thôn, xã. Trong đó, trưởng thôn thực hiện chức năng tạo lập và duy trì sổ cái tích hợp thông tin BHYT theo hộ gia đình với thông tin di biến động dân số và an sinh xã hội khác. Đồng thời chịu trách nhiệm cập nhật thông tin và báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu tổng hợp của chính quyền xã. Chính quyền xã thực hiện tổng hợp thông tin toàn xã, truy xuất, báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu của BHXH và các ban ngành cấp trên, đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động thu thập thông tin của tuyến thôn.

Sớm quy định rõ vai trò cấp xã

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi triển khai Luật BHYT sửa đổi năm 2014, cần có mô hình phù hợp để chính quyền cấp xã triển khai chính sách BHYT theo hộ gia đình. Theo thông tư hướng dẫn Luật BHYT thì giao cho cấp xã phường xác định và lập danh sách nhưng do không có chế tài nên hiện nay vẫn chỉ có người bị bệnh, người già mới mua thẻ BHYT để được thanh toán BHYT.

Qua giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ở xã có vài ba đại lý BHYT nhưng chỉ ở văn phòng UBND cấp xã, do cán bộ xã kiêm nhiệm bán theo ngày, giờ. Còn cấp thẻ thì thường sau 1 tháng, thậm chí có nơi phải 1 quý mới được cấp thẻ khiến người dân thấy khó khăn nên nản không tham gia. Bên cạnh đó, việc mua BHYT theo hộ gia đình nhiều nơi đạt thấp do người dân không mua BHYT hộ gia đình thì cũng không bị phạt nên triển khai chính sách BHYT hộ gia đình vẫn chủ yếu là vận động, tuyên truyền”, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết.

“Dù giao cho xã lập danh sách mua BHYT hộ gia đình nhưng chưa xác định rõ đây là “việc của y tế hay bảo hiểm xã hội” nên bị “bỏ mặc” cho UBND xã, phường. Trong khi đó, UBND cấp xã, phường cũng chỉ triển khai bằng việc lập danh sách, họp, chỉ đạo như vừa qua. Muốn nhiều người mua thì phải có đội ngũ cộng tác viên đến vận động từng nhà, nhất là trong các dịp lễ, Tết, nhưng hiện các đoàn thể ở địa phương gần như không vào cuộc vì coi đó là hoạt động mua bán theo cơ chế thị trường, ai cần thì mua mà không nhận thức đây là một chính sách an sinh xã hội cho người dân. Nếu xác định đây là trách nhiệm của ngành y tế thì trạm y tế xã cử 1 cán bộ chuyên trách về việc này. Đội ngũ cộng tác viên y tế tham gia và được hưởng tỷ lệ phần trăm của thẻ. Biên chế này Bộ Y tế và BHXH đề nghị Chính phủ quyết định. Do không có người chuyên trách làm BHYT ở xã nên việc bán BHYT theo kiểu “chờ khách đến mua chứ không đi vận động tại nhà” khiến chính sách BHYT hộ gia đình vẫn… chỉ “dậm chân” trong luật”, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết.

Bên cạnh đó, BHXH phải đổi mới cơ chế cấp thẻ BHYT ở xã, cấp phôi thẻ BHYT ngay sau khi người dân đóng phí BHYT, không nên để dân đợi đến 1 - 2 tháng. Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Chính phủ sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT theo hộ gia đình, đồng thời tin học hóa hệ thống quản lý BHYT để giảm bớt việc hướng dẫn chi tiết thủ tục, giấy tờ hành chính…
Tạ Nguyên - Xuân Minh
Vướng triển  khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS
Vướng triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn đảm bảo để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được với các dịch vụ và thuốc ARV một cách bền vững, nhất khi các nguồn lực tài trợ điều trị HIV/AIDS bị cắt giảm. Thế nhưng, khi triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS thì các đơn vị thực hiện "đụng đâu, vướng đó".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN