Theo quy định, người có nhu cầu cấp bằng quốc tế cần liên hệ trước qua tổng đài (08)1081 để được hướng dẫn hồ sơ và đăng ký thời gian đến làm thủ tục tại địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, quận 3. Tuy nhiên, một số người do không biết quy định này nên không đăng ký trước và khi đến cơ sở trên đã không được làm thủ tục.
Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cho biết người dân khi liên hệ qua tổng đài (08)1081 sẽ được hướng dẫn cụ thể về quy trình nộp hồ sơ cấp bằng và được cấp số thứ tự hẹn thời gian đến làm thủ tục. Việc này tạo thuận lợi cho người dân không phải đến trực tiếp chờ đợi. Mỗi ngày, cơ sở sẽ tiếp nhận 60 hồ sơ đăng ký cấp bằng và tùy theo tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp. Trong sáng 25/2, cơ sở này đã làm thủ tục cho khoảng 40 người đến đăng ký.
Hồ sơ đăng ký bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép lái xe quốc tế theo mẫu, bản sao giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị sử dụng, một tấm ảnh 4x6 cm (được chụp hình trực tiếp khi làm thủ tục) kèm theo lệ phí cấp bằng 135.000 đồng/hồ sơ. Sau 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, bằng sẽ được cấp và có thời hạn sử dụng 3 năm theo đúng hạng lái xe của giấy phép lái xe quốc gia Việt Nam.
Ông Võ Trọng Nhân cho biết thêm, những người có nhu cầu thật sự nên tham khảo danh sách 73 quốc gia tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 cho phép sử dụng giấy phép lái xe quốc tế để đăng ký, tránh lãng phí thời gian. Người dân vẫn nhầm lẫn hoặc không biết một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… không nằm trong danh sách các nước cho phép sử dụng bằng quốc tế nên vẫn đến đăng ký cấp bằng.
Liên quan đến việc quản lý sát sạch và cấp giấy phép lái xe, năm 2015 Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 3.000 kỳ sát hạch, cấp hơn 777.000 giấy phép lái xe. Hiện Thành phố đang quản lý 7,4 triệu phương tiện; trong đó số lượng ô tô chiếm gần 560.000 chiếc.