Mỗi địa phương một sáng kiến
Từ năm 2016 trở về trước, quận 11, TP Hồ Chí Minh là một trong ba địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố, số hộ nghèo chiếm đến 7%.
Ông Trần Phi Long, Phó Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, bằng sự chung sức, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, quận 11 từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Xác định tạo việc làm ổn định, lâu dài là chìa khóa để giảm nghèo bền vững, quận 11 đã có nhiều giải pháp như: trao phương tiện (xe bánh mì, xe gắn máy, xe nước mía…) để người dân tự tìm kế sinh nhai; dạy nghề, giới thiệu việc làm để người nghèo có thu nhập ổn định, lâu dài; trợ vốn không lãi suất để buôn bán nhỏ…
“Chúng tôi cho rằng chỉ có tạo cho người dân có một công việc ổn định, lâu dài thì họ mới có thể thoát nghèo bền vững, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề này”, ông Trần Phi Long chia sẻ.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện, quận 11 đã về đích khi cuối năm 2018 không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2016-2020, thậm chí có đến 6 phường không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
Tương tự, tại quận Thủ Đức, trong 3 năm triển khai chương trình giảm nghèo bền vững ngoài việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi xã hội đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, quận còn tập trung thực hiện nhiều giải pháp tích cực thực hiện chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với kéo giảm chiều thiếu hụt xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức cho biết, ở các phường đã thành lập 148 tổ tự quản giảm nghèo thu hút 100% các hộ nghèo, cận nghèo tham gia sinh hoạt, qua đó đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể quận, các phường còn gắn việc vay vốn, tín dụng, đào tạo nghề cho 1.367 lao động nghèo, cận nghèo; giới thiệu việc làm cho trên 2.289 lao động diện nghèo, cận nghè.
Bên cạnh đó, Quận Thủ Đức thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, giúp hộ nghèo tăng thu nhập ổn định cuộc sống…
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, để có thể về đích sớm 2 năm, mỗi địa phương lại có một giải pháp riêng phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, quận 6 đã thực hiện giải pháp vận động đào tạo lại và cấp bằng miễn phí cho người lao động. Huyện Bình Chánh phát huy mô hình tổ tự quản dạy nghề, giúp nhau làm kinh tế. Huyện Cần Giờ đẩy mạnh mô hình vay vốn từ nguồn Quỹ giảm nghèo bền vững, Quỹ Quốc gia về việc làm để mở rộng sản xuất kinh doanh tạo thêm nhiều việc làm, gia công tại nhà giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện cuộc sống.
Chuyển từ “cho” sang “hỗ trợ”
Kể từ khi được hỗ trợ chiếc xe đẩy bán cơm tấm, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Mạnh Tùng, ngụ phường 5, quận 11 đã bớt đi bấp bênh. Vốn có nghề truyền thống làm lồng đèn trung thu gia đình nhưng sau nhiều năm lồng đèn ế ẩm, gia đình anh Tùng rơi vào khó khăn. Được hỗ trợ phương tiện sinh kế là chiếc xe đẩy bán cơm tấm, anh Tùng xoay sang bán thêm cơm tấm buổi sáng ở đầu hẻm để kiếm thêm thu nhập.
“Không những địa phương hỗ trợ xe bán cơm tấm mà còn tạo điều kiện để vợ chồng tôi có chỗ để đứng bán mỗi sáng, nhờ thế mà có nguồn thu nhập ổn định hơn”, anh Tùng chia sẻ. Cùng với sự khởi sắc trở lại của thị trường lồng đèn Trung thu, sau nhiều năm dành dụm, gia đình anh Tùng đã sửa sang được ngôi nhà gỗ ọp ẹp năm xưa và chính thức thoát nghèo.
Hơn 10 năm bán trái cây dạo nhưng thu nhập của chị Lê Thị Tuyết Hoa, ngụ phường 4, quận 11 vẫn bấp bênh do việc bán buôn luôn phụ thuộc vào thời tiết. Hai năm nay, với sự trợ vốn của Hội Phụ nữ phường, chị Hoa mạnh dạn đầu tư vào sạp trái cây gần nhà, thu nhập nhờ thế cũng trở nên khấm khá hơn. Năm ngoái, địa phương còn hỗ trợ chị vay vốn để cải tạo ngôi nhà 8 mét vuông của mình trở thành 24 mét vuông sàn vững chãi hơn.
“Từ ngày sửa được cái nhà, mình ngủ cũng an tâm hơn, không còn lo nhà sập. Chồng và con cũng có chỗ ngả lưng thoải mái sau một ngày làm việc, học hành vất vả”, chị Hoa cho biết. Hiện thu nhập của cả hai vợ chồng từ sạp trái cây và công việc thợ hồ là 15 triệu đồng mỗi tháng, không còn thiếu trước hụt sau như trước.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững thành phố đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, nắm thực trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo trong khu vực, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho từng thành viên, từng hộ, góp phần kéo giảm nhanh tình trạng thiếu hụt và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, trong các giải pháp giảm nghèo, thành phố đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ giải pháp cho sang hỗ trợ, không cho “con cá” mà đưa “cần câu”. “Yếu tố quyết định giảm nghèo bền vững chính là ý chí phấn đấu tự vượt nghèo của bản thân người nghèo. Từ đó, từng bước thay đổi nếp nghĩ của họ, loại dần tư tưởng an phận, trông chờ ỷ lại, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề tìm kiếm việc làm”, ông Lê Minh Tấn nhận định.
Phó Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho rằng, đi kèm với chính sách hỗ trợ thì quan trọng nhất vẫn là làm thay đổi nhận thức của người nghèo bởi đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả. Trong đó, vai trò của chính quyền là tạo động lực giảm nghèo, tác động bằng chính sách hỗ trợ còn người nghèo chính là chủ thể quyết định tính hiệu quả của các chính sách này.
Bài 3: Vẫn còn thách thức