Mặc dù vẫn chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng ngày 9/5 UBND TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn cấp với các quận, huyện và ban ngành Thành phố để bàn giải pháp phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với tình huống nếu dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh.
Lo ngại thịt lợn từ các cơ sở giết mổ trái phép
Nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh tại Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Hồ Chí Minh và Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai đã cam kết trong vòng 30 ngày, nguồn lợn tại các xã có dịch sẽ không được xuất về thành phố, các điểm giết mổ cũng sẽ đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, lo ngại nhất hiện nay chính là nguồn thịt lợn tại những cơ sở giết mổ trái phép và được bán tại các chợ tự phát, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết dù đã có những biện pháp xử lý nhưng hiện nay, một số địa bàn vẫn còn tình trạng giết mổ lợn trái phép ở các quận Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân… Đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do các hộ tiếp nhận nguồn lợn không qua kiểm dịch, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát…
Cùng với đó, do chênh lệch giá lợn giữa các khu vực miền Bắc và miền Tây, tình hình dịch chuyển thịt lợn quá cảnh qua địa bàn thành phố để đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, giá giết mổ tại những lò mổ ở thành phố cao hơn những lò mổ ở tỉnh Long An nên có tình trạng thương lái đưa lợn về các lò mổ ở Long An giết mổ, sau đó mới đổ về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ tại các chợ đầu mối.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, dẹp bỏ những cơ sở kinh doanh và giết mổ trái phép này không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai” khi người tiêu dùng vẫn có thói quen “tiện đâu, mua đó”. “Tình trạng kinh doanh thịt lợn trái phép không chỉ diễn ra ở các chợ lẻ mà ngay cả chợ đầu mối. Trong lồng chợ thì được kiểm tra chặt chẽ, nhưng ở ngoài lồng chợ thì khó kiểm soát bởi khi thấy đoàn kiểm tra đến thì họ ôm thịt bỏ chạy”, bà Lan cho biết thêm.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng tỏ ra lo ngại với 247 hộ nuôi lợn tại thành phố bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn. Đây là nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, bởi nguyên nhân phát sinh dịch bệnh tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là do hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa từ của các khu công nghiệp không qua nấu chín.
Phê bình quận, huyện để xảy ra dịch bệnh và giết mổ trái phép
Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch như giám sát chặt chẽ nguồn lợn xuất về thành phố phải xuất phát từ khu vực không có dịch, cập nhập thường xuyên diễn biến của dịch bệnh; không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch, tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt lợn về thành phố tiêu thụ. Thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn xuất về thành phố giết mổ…
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, bên cạnh những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, ngành nông nghiệp Thành phố cũng đưa ra tình huống nếu dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh thì cần phải có phương án hỗ trợ cho người nông dân tái đàn.
Tại buổi họp, ông Lê Thanh Liêm cho biết TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện đàn lợn nào mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai đã có. Do đó, ông Liêm đề nghị thời gian tới, 24 quận huyện, sở ngành liên quan phải triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo phương án 2 (xảy ra ở địa bàn giáp ranh) mà UBND TP đã đề ra kế hoạch trước đó. Quận, huyện nào để xảy ra dịch bệnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.
Theo ông Liêm, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn nhập vào thành phố bằng các biện pháp, đồng thời kiểm tra nội bộ chặt chẽ. Địa phương khi kiểm tra phát hiện bệnh cần báo cáo Chi cục Thú y để có thông tin chính thức. Đặc biệt, chú ý các hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa nấu chín, nếu phát hiện phải xử lý kịp thời ngay. Sở Tài nguyên và Môi trường phải vào cuộc với kế hoạch cụ thể và không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện.
Đồng thời, các quận, huyện, sở, ngành phải phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra các khu vực chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, khu vực không có ban quản lý chợ, nhất là thời điểm nhập sản phẩm động vật vào sáng sớm, buổi tối. Xử lý triệt để tình trạng phát sinh kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Trong công tác giết mổ, ông Liêm cho rằng tình trạng giết mổ trái phép không chỉ ảnh hưởng lớn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng lớn đến những người buôn bán chân chính. Do đó, trong thời gian tới nếu quận huyện nào để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép, Chủ tịch UBND quận huyện đó sẽ bị phê bình.
Để người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh cũng như tránh tình trạng “tẩy chay” thịt lợn, ông Liêm đề nghị các sở, ngành phải phối hợp truyền thông làm trực tuyến. Nguồn thông tin đưa ra chủ yếu từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, sau đó là Chi cục Thú y, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố.
TP Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Hiện thành phố có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500 - 7.000 con lợn/ngày. Nguồn lợn nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (8,01)….