TP Hồ Chí Minh: Thế hệ trẻ về nguồn, giao lưu cùng các cựu chiến binh vùng 'đất thép'

Nhân dịp kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), gần 100 bạn trẻ đã có hành trình đầy cảm xúc tại Khu di tích địa đạo Củ Chi và giao lưu với các cựu chiến binh vùng "đất thép" trong khuôn khổ chương trình "Văn hóa nghệ thuật Tam giác sắt".

Chú thích ảnh
Các cựu chiến binh chia sẻ trong chương trình “Văn hóa nghệ thuật Tam giác sắt” tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Chương trình do Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi phối hợp với Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (cơ sở TP Hồ Chí Minh ) tổ chức. Sự kiện không chỉ là lời tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh cho độc lập dân tộc mà còn là dịp để thế hệ gen Z đến gần hơn với lịch sử sống động trên vùng đất từng oằn mình trong khói lửa chiến tranh.

Chương trình có các chuỗi hoạt động như tham quan địa đạo Củ Chi, viếng Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, thưởng thức biểu diễn văn nghệ và đặc biệt là giao lưu với các cựu chiến binh từng chiến đấu, phục vụ tại “Tam giác sắt” -  vùng chiến lược ác liệt giữa Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng năm xưa.

Tại buổi giao lưu, nhiều ký ức sống động về chiến tranh đã được các cựu chiến binh chia sẻ lại cho thế hệ trẻ. “Khi đó, B52 thả bom dọc sông Sài Gòn, dân bị gom về Bến Súc, rồi chạy về Trảng Bàng, Hưng Hòa. Bom đạn gào thét ngày đêm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Bà con mình vừa chịu càn quét vừa đào hầm, giăng chông giữ làng... các cháu bây giờ rất khó có thể tưởng tượng mức độ ác liệt của thời đó”, cựu chiến binh Lương Văn Sợi, nguyên Trung đội trưởng Trung đoàn Gia Định, kể lại thời điểm năm 1967 khi ông mới 17 tuổi.

Chú thích ảnh
Các sinh viên được tìm hiểu về Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Chánh xúc động kể về anh trai - một du kích ấp Phú Hiệp, đã hy sinh sau khi bắn cháy hai xe tăng địch trong trận càn Cedar Falls năm 1966. “Anh tôi bị bắn gãy tay khi đang định bắn chiếc xe tăng thứ ba của địch. Anh được đưa về địa đạo, rồi chuyển qua xã Tân Tuyền thì đã trút hơi thở cuối cùng. Lúc anh bắn cháy xe tăng địch, anh chỉ có khẩu súng trường nhưng đã can đảm đối phó với quân địch mạnh với xe tăng, bom pháo hiện đại… Đó cũng chính là tinh thần quả cảm, chấp nhận hy sinh của người Việt Nam trong thời chiến với mong muốn giành lại độc lập tự do cho thế hệ trẻ hôm nay”, ông Ngô Minh Chánh chia sẻ.

Tham gia buổi giao lưu, chị Trần Thị Phương Thảo, đại diện Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, chứng kiến sự hào hứng của các bạn sinh viên khi được lắng nghe câu chuyện thật từ các cựu chiến binh, ban tổ chức cũng rất xúc động, hạnh phúc vỡ òa khi thế hệ trẻ đã cảm nhận được những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh trong thời chiến. Ban tổ chức tin rằng, đây sẽ là hành trang quý giá để thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi của dân tộc trong con đường phát triển sau này. 

Chú thích ảnh
Sinh viên được trải nghiệm đi trong rừng theo cách các cha ông năm xưa hoạt động cách mạng. 

Theo chị Phương Thảo, với những câu chuyện thật để nói về tinh thần "thép", ý chí kiên định, bản lĩnh kiên cường và nhiệt huyết các cựu chiến binh đã để lại nhiều ấn tượng cho các bạn sinh viên. Từ chương trình, cũng góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống vẻ vang của cha ông. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng cảm nhận được thông điệp “Đền ơn đáp nghĩa”, trân trọng hòa bình và lòng yêu nước để có trách nhiệm bảo vệ đất nước, Tổ quốc trong tương lai. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
TP Hồ Chí Minh: Chăm lo, hỗ trợ cho các thương binh, bệnh binh
TP Hồ Chí Minh: Chăm lo, hỗ trợ cho các thương binh, bệnh binh

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ngày 24/7, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 đã tổ chức Lễ trao kinh phí hỗ trợ cho các thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN