Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp và số ca mắc COVID-19 có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong nước, các nhóm nguy cơ lây nhiễm có thể xâm nhập vào thành phố bất cứ lúc nào; TP Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục "siết" các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ các nhóm nguy cơ là điều rất cần thiết.
“Thành phố là địa phương có mật độ đi lại, giao thương lớn với cửa ngõ sân bay, 60 cảng biển lớn nhỏ, vừa qua người đi lại dịp lễ và trở về thành phố lớn, không loại trừ đi từ địa phương có các chuỗi ca lây nhiễm”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Trên cơ sở các nhóm nguy cơ xâm nhập dịch bệnh COVID-19 vào thành phố đã được nhận định, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các ngành cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về khai báo y tế, xuất nhập cảnh, theo dõi và kiểm soát các con đường xâm nhập.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm soát các đường dịch bệnh có thể xâm nhập vào thành phố như hàng không, cảng biển, đường bộ. Đối với hàng không, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị thường xuyên rà soát bổ sung hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trên máy bay, sân bay cho nhân viên, hành khách. Đối với cảng biển, cảng nào thường xuyên tiếp nhận vận chuyển hàng hóa gắn với địa phương nào thì cần phối hợp với lực lượng biên phòng để thống nhất quy trình kiểm soát dịch.
Đối với đường bộ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị tái lập các chốt kiểm soát, các tổ khai báo y tế cho người dân từ các cửa ngõ liên thông với thành phố như miền Tây, miền Đông vào thành phố. Các nhà ga, siêu thị, bến cảng cũng phải bố trí chốt kiểm soát khai báo y tế, kiểm tra thường xuyên.
Trước đó, trong đợt bùng phát dịch thứ 2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COIVD-19 TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập 62 chốt kiểm dịch (16 chốt chính, 46 chốt phụ) tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Tại các chốt chặn này, lực lượng liên ngành gồm cảnh sát giao thông, y tế, quản lý thị trường, dân quân tự vệ đã phối hợp phân luồng, đo nhiệt độ cho những người điều khiển phương tiện giao thông vào TP Hồ Chí Minh. Những người có thân nhiệt cao sẽ được giữ lại khu vực riêng để theo dõi thân nhiệt 30 phút một lần. Nếu nhiệt độ trở về bình thường, người dân sẽ được đi tiếp, nếu nhiệt độ vẫn cao sẽ được các nhân viên y tế tiếp tục theo dõi.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đã yêu cầu tất cả các phương tiện vận chuyển khách không quá 50% số ghế và không quá 30 người trên một phương tiện. Các phương tiện khi xuất bến yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế.
Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị kiểm tra công tác thực hiện phòng chống dịch đối với các phương tiện giao thông, từ taxi công nghệ cho đến taxi truyền thống.
Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng. Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay thành phố có 19.000 Tổ với hơn 52 nghìn thành viên đã được tập huấn sẵn sàng, góp phần phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, những chùm ca bệnh trong cộng đồng; hỗ trợ cho lực lượng y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động, giám sát sự chấp hành của các hộ dân trong phạm vi bị phong tỏa…