TP Hồ Chí Minh sáp nhập 16 phường, xã không đủ diện tích, dân số

TP Hồ Chí Minh có 16 phường, xã không đủ diện tích và dân số theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính tại quận 2, 3, 4, 5, 6, 8, 10, Phú Nhuận nên phải sáp nhập.

Chú thích ảnh
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 phường bị giải tỏa trắng được Thành phố kiến nghị Trung ương cho giữ lại. Ảnh: Mạnh Linh

Ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2019, thành phố cơ bản hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có diện tích và dân số chưa tới 50% tiêu chuẩn theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ có 16 phường (trên tổng số 322 phường, xã, thị trấn của 24 quận huyện) buộc phải sáp nhập với nhau vì không đạt cả diện tích và dân số (chưa tới 50%). Trong đó, quận 2 có 4 phường phải sáp nhập; quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận mỗi quận có 2 phường; quận 6, 8 có một phường. Riêng quận 2 có 3 phường đã bị giải tỏa trắng để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không còn dân nhưng thành phố kiến nghị Trung ương vẫn cho thành phố giữ lại vì khi hoàn chỉnh khu đô thị mới người dân sẽ về ở.

Ông Đỗ Văn Đạo cũng cho biết, trước mắt việc sáp nhập các phường sẽ gây xáo trộn đời sống người dân, doanh nghiệp vì các thông tin địa chỉ, giấy tờ, dịch vụ... liên quan bị thay đổi. Nhưng, điều thành phố băn khoăn là sắp xếp nhân sự, con người vì khi sáp nhập 2 phường các cán bộ, công chức sẽ thừa ra. Vì vậy, để cán bộ, công chức yên tâm, hiện thành phố đã động viên các cán bộ trẻ một là đi học tiếp nâng cao trình độ hoặc bố trí lên các vị trí khác đang thiếu hụt tại địa phương nhưng chắc chắn vẫn có người tâm tư.

"Hầu hết, cán bộ xã, phường tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn trẻ, do đó việc tiếp tục được bố trí công việc phù hợp là điều cần thiết và thành phố sẽ quan tâm giải quyết các nguyện vọng của cán bộ, công chức dôi dư. Trước mắt ai làm việc đó, sau đó tổ chức sẽ tính toán ổn thỏa cho cán bộ, công chức theo nguyện vọng và theo sự phân công của tổ chức. Việc này không thể trong một sớm một chiều vì ảnh hưởng đến công việc, gia đình của các công chức, cán bộ. Hiện, Trung ương cũng đã cho thành phố thời gian 3 - 5 năm để sắp xếp nhân sự khi sáp nhập phường, xã không đủ tiêu chuẩn. Thành phố đang lên lập kế hoạch, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các cán bộ, công chức tại các địa phương chuẩn bị sáp nhập.

Đại diện văn phòng UBND quận 5 cũng cho biết, việc sáp nhập phường không đủ tiêu chuẩn, diện tích và dân số sẽ giúp quận tinh gọn bộ máy cán bộ, công chức từ đó nâng cao chất lượng phục vụ để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn. Những cán bộ, công chức của các phường chuẩn bị sáp nhập cũng sẽ được thông báo để nắm thông tin cụ thể vì vậy các cán bộ, công chức cũng đã có chuẩn bị về tâm lý lẫn sắp xếp công việc.

Từ sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chính từ quận, huyện đến phường, xã. Cụ thể sau năm 1975, quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức; quận 1 hiện hữu được ghép từ quận 2; quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây… Đối với các quận thì quận 1 lúc trước có 23 phường, hiện nay chỉ còn 10 phường; Bình Thạnh có 28 phường được sáp nhập còn 20 phường; quận 3 và Phú Nhuận trước có 24 và 17 phường nhưng giờ còn 15 phường...

Các mốc thời gian TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc sáp nhập phường, xã và sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập tại TP Hồ Chí Minh.
Trong tháng 6, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh, trình Thành ủy xem xét, thống nhất và gửi Bộ Nội vụ.
Tháng 7, căn cứ vào kế hoạch sắp xếp được phê duyệt, UBND quận, huyện xây dựng đề án chi tiết về sắp xếp và niêm yết danh sách cử tri theo quy định.
Trước ngày 15/8, HĐND cấp xã, huyện thông qua đề án sáp nhập, điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện và gửi báo cáo lên Sở nội vụ tổng hợp báo cáo.
Trước ngày 20/8, UBND TP Hồ Chí Minh trình đề án cho Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ, đề án trình HĐND TP Hồ Chí Minh xem xét, thông qua.
Trước ngày 31/8, UBND TP Hồ Chí Minh trình đề án sắp xếp phường xã, cán bộ công chức cho Bộ Nội vụ và cơ quan Trung Ương phê duyệt và thực hiện. 

 

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tăng cường hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Tăng cường hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Tối 31/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp ông Nguyễn Thành Phát, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN