TP Hồ Chí Minh hoàn thành hỗ trợ lao động tự do trước ngày 15/8

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh, tổng số lao động tự do sẽ được hỗ trợ lần 2 là 365.000 người, tương đương với số người lao động đã được hỗ trợ lần 1. Việc hỗ trợ người lao động tự do lần 2 sẽ hoàn thành trước ngày 15/8.

Chú thích ảnh
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trong sáng 10/8.

Sáng 10/8, báo cáo tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhiều người lao động, người dân nghèo tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng: Lao động thất nghiệp, lao động tự do (không ký kết hợp đồng lao động) và hộ nghèo - hộ cận nghèo.

Tổng kinh phí hỗ trợ 3 đối tượng trên là 900 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng từ ngân sách thành phố và xã hội hóa. Đối với nguồn xã hội hóa, thành phố kêu gọi vận động từ trong và ngoài nước, kêu gọi từ sự tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn của đồng bào để người dân TP Hồ Chí Minh sớm trở lại bình thường mới.

Cụ thể, đối với lao động tự do nghèo không có giao kết hợp đồng lao động, có khoảng 365.000 người sống trong các khu vực phong tỏa, xóm nghèo, khu nhà trọ, khu lưu trú… Đặc biệt, phải là những đối tượng thật sự nghèo thì sẽ được nhận hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay hộ khẩu. Tính đến nay, một số quận, huyện đã chi trả được nhiều trường hợp, nhiều nhất là quận Tân Bình (hơn 40%), tiếp đến là Quận 1, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú. Tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang phấn đấu hỗ trợ xong cho đối tượng này trước ngày 15/8.

Đối với 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa... các quận, huyện dự kiến sẽ hỗ trợ xong trong vòng 2-3 ngày tới; đối với lao động thất nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho hơn 52.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc; hỗ trợ 164 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Trả lời một số câu hỏi về một số phản ánh của người dân chưa nhận được hỗ trợ đợt 1, liệu có phải bị bỏ sót hay không? ông Lê Minh Tấn cho biết, quan điểm của TP Hồ Chí Minh là không để một lao động nào ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ.  Tuy nhiên, vừa qua một số nơi làm chưa tốt, do đó TP Hồ Chí Minh đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho người dân. Mặt khác, trên thực tế vẫn có các địa phương làm rất tích cực, thống kê ban đầu dự kiến chỉ hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do, nhưng hiện số người được hỗ trợ đã lên tới 365.000 người.

Đối với việc hỗ trợ cho đối tượng là xe ôm, theo ông Lê Minh Tấn, quan điểm của TP Hồ Chí Minh là chỉ hỗ trợ cho xe ôm truyền thống vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba ngã tư đường đón khách. "TP Hồ Chí Minh xác định sẽ hỗ trợ đàng hoàng nếu người đó gặp khó khăn. Nơi nào chưa hỗ trợ thì sẽ được hỗ trợ”, ông Tấn nói thêm.

Chú thích ảnh
Người lao động nghèo sẽ nhận được gói hỗ trợ và các phần quà thiết yếu để vượt qua khó khăn do dịch bệnh. 

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang triển khai gói an sinh để hỗ trợ đợt 2 cho các trường hợp yếu thế, khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai TP Hồ Chí Minh cần làm sao thống kê cụ thể, đúng các đối tượng để sự hỗ trợ đến kịp thời và tận tay người dân, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót bất kỳ đối tượng nào.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp và kéo dài đang khiến cuộc sống của bà con, người lao động nghèo sống các khu vực cách ly, phong tỏa… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng khó khăn. Với quan điểm “không bỏ lại một ai ở phía sau”, chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết tâm chăm lo cho người lao động nghèo, hộ nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh, thành phố đã hoàn thành đợt hỗ trợ lần 1 cho các nhóm đối tượng lao động thất nghiệp, hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương.  Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ đạt 92% với khoảng 56.000 người lao động, công nhân được hưởng; đối với hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh có 58.800 hộ hưởng, đạt 100%; đối với hỗ trợ cho hộ thương nhân 15.000/16.500 trường hợp và đạt 90%; đối với hỗ trợ cho lao động tự do có khoảng 365.000 người được hưởng, đạt 100%. Tổng kinh phí hỗ trợ là 576 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách để chăm lo như: giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho 101 ngàn đơn vị, doanh nghiệp có 2,3 triệu công nhân với tổng kinh phí giảm là 1 tỷ 060 triệu đồng. Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 120 đơn vị có 22.300 công nhân với tổng kinh phí tạm dừng là 218 tỷ đồng. Hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất là 44 doanh nghiệp, tổng kinh phí cho vay là 75 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ mất việc cho hướng dẫn viên du lịch là 6.000 người, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 23 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ dành cho đạo diễn, diễn viên có 139/139 người với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng…

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Phát hiện  6 ca dương tính SARS-CoV-2  là người từ TP Hồ Chí Minh về Đắk Lắk
Phát hiện 6 ca dương tính SARS-CoV-2 là người từ TP Hồ Chí Minh về Đắk Lắk

Qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm test nhanh COVID-19 trong trên 470 người dân Đắk Lắk sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch bằng ô tô, lực lượng y tế đã phát hiện 6 ca dương tính SARS-CoV-2. 6 trường hợp này đã được đưa về khu cách ly Củ Chi. Khu vực bến xe cũng nhanh chóng được khử khuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN