TP Hồ Chí Minh: Chưa đạt mục tiêu giảm ô nhiễm nguồn nước

Giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong 6 chương trình đột phá của thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2015 là hạn cuối để thành phố hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình này, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều những chỉ tiêu khó hoàn thành trong năm…

Các dự án cải tạo môi trường nước góp phần tạo nên bộ mặt mới cho mỹ quan thành phố.


Môi trường đang được cải thiện


Một trong những chỉ tiêu trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố là giảm ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nội thành và ngoại thành, đồng thời tăng khối lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý. Đây là một trong những phần việc được thành phố đầu tư rất lớn. Một trong những điểm nhấn là Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD. Dự án này đã giúp cải thiện trực tiếp tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường cho hơn 1,2 triệu dân ở các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và tạo mỹ quan cho thành phố nói chung. Ở giai đoạn 1, mặc dù nhà máy xử lý nước thải chưa được xây dựng, nhưng toàn bộ nước thải đã được thu gom, lượm rác tại một trạm bơm có công suất 64.000 m3/giờ trước khi được thải ra sông Sài Gòn, trả lại bề mặt trong xanh cho kênh Nhiêu Lộc. Dự án còn di dời hơn 7.000 hộ dân sống tạm bợ, lấn chiếm lòng kênh, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Cùng với lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ cũng góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, góp phần giảm ngập cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ… Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành các mục dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm trước ngày 30/4. Đây là một trong những kênh ô nhiễm nặng nhất ở phía tây thành phố, với khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Sau hàng chục năm bị bỏ quên, người dân lấn chiếm xây nhà trái phép càng khiến kênh bị ô nhiễm nặng. Ngoài việc cải tạo môi trường kênh rạch, thành phố cũng tiến hành khảo sát thực địa để lập dự án đào hồ điều tiết ở khu vực Bàu Cát và Gò Dưa… nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan.

Nhiều mục tiêu chưa đạt

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố đặt ra 8 mục tiêu lớn, cụ thể phải có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. 100% khu chế xuất - khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu. 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu được xử lý nước thải. Giảm 80% nước thải kênh rạch khu vực nội thành và 60% nước thải kênh rạch khu vực ngoại thành đang bị ô nhiễm. Giảm 70% và 50% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn lần lượt cho sản xuất và giao thông và 100% người dân được tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định và các văn kiện pháp lý liên quan đến dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Dự án này có tổng mức đầu tư 527 triệu USD, trong đó 450 triệu USD vay của WB theo hai khoản vay từ nguồn IDA 200 triệu USD và từ nguồn IBRD là 250 triệu USD và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Dự án được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020. Mục tiêu của dự án là hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2. Khi đưa vào vận hành, nguồn nước thải sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai cũng như góp phần chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo thành phố.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, hiện nay 100% khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ tiêu này xem như đã hoàn thành. Tuy nhiên, đối với cụm công nghiệp, đến nay mới chỉ có 8/27 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng, số còn lại chưa có nhà đầu tư, nên rất khó cải thiện được hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu. Riêng vấn đề ô nhiễm không khí, hiện nay không ai có thể kết luận được không khí thành phố đang ô nhiễm ở mức độ nào, vì từ 2003, hệ thống quan trắc không khí, quan trắc khí thải tự động của thành phố đã bị hỏng, đến nay vẫn chưa được đầu tư mới. Ngay cả mục tiêu tăng lượng rác tái chế lên 40% cũng gần như không đạt được vì nhiều nhà máy tái chế chất thải của thành phố cũng chưa ổn định công suất hoạt động.


Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm: Mục tiêu giảm ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nội thành và ngoại thành, đồng thời tăng khối lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý, là một trong những mục tiêu trọng tâm, được thành phố đầu tư rất lớn, nhưng đến nay vẫn khó  đạt được. Thực trạng người dân xả rác xuống kênh rạch vẫn còn khá phổ biến, doanh nghiệp lén xả thải còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng chảy lan nước thải ô nhiễm từ tỉnh thành lân cận về TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng và chưa có hướng giải quyết hiệu quả, bất chấp thành phố đã nhiều lần yêu cầu các tỉnh thành lân cận siết chặt quản lý xả thải. Bên cạnh đó, mục tiêu 100% người dân được tuyên truyền bảo vệ môi trường rất khó đạt được do TP Hồ Chí Minh luôn tồn tại lượng lớn dân nhập cư. Họ lại không có chỗ ở ổn định nên không thể tiếp cận.   


L. Hiền

Báo động ô nhiễm nguồn nước tại Hải Dương
Báo động ô nhiễm nguồn nước tại Hải Dương

Môi trường nước tại Hải Dương đang bị ô nhiễm nặng, nhất là nước kênh mương nội đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN