Giếng bỏ hoang gây ô nhiễm nguồn nước

Hiện nay, nhiều khu vực của TP Biên Hòa (Đồng Nai) thiếu nước sạch sử dụng, nhất là ở các phường: Hố Nai, Tân Phong, Trảng Dài... và 4 xã mới sáp nhập vào thành phố (Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng).

 

Để có nước sinh hoạt, người dân đã chọn giải pháp khoan giếng do chi phí khoan rẻ hơn giếng đào. Trung bình, một giếng khoan sâu 30 m chỉ mất khoảng 3,5 triệu đồng, thời gian hoàn thành trong vòng 8 giờ, trong khi đào giếng phải mất vài ngày và chi phí cao hơn.


Thống kê gần đây cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 300.000 giếng nước, trong đó gần 60% là giếng khoan, chủ yếu tập trung ở lưu vực sông La Ngà, sông Buông, sông Thao. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), từ năm 2009 - 2012, toàn tỉnh có gần 2.200 giếng bỏ hoang, không sử dụng, tập trung tại các địa phương: TP Biên Hòa, huyện Xuân Lộc, Tân Phú... Sau khi có nguồn thay thế hoặc nước bị ô nhiễm, những giếng này đã không được trám lấp theo quy trình, mà lại làm nơi chứa rác khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng.


Đến nay, Sở TN-MT đã trám lấp 88/151 giếng trên địa bàn huyện Long Thành, TP Biên Hòa là 161/385 giếng, 32/33 giếng ở huyện Nhơn Trạch và 126/126 giếng ở huyện Trảng Bom. Trong những năm tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục “xóa sổ” giếng bỏ hoang còn lại. Tuy nhiên, để khắc phục sự cố môi trường do các giếng bỏ hoang để lại, phải tốn không ít thời gian và công sức.

 

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN