Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm về vấn đề thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, theo số liệu khảo sát của tổ chức Lao động Quốc tế, hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn 2 nước là Kennya và Seychelles (trên 48 giờ/tuần). Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước. Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. 

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.   

Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. 

"Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững", ông Lê Đình Quảng cho biết.

Trước thực tế đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm và đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 - 5/9 hàng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học). Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

Đỗ Bình (TTXVN)
Giảm giờ làm, cần những tính toán thiết thực
Giảm giờ làm, cần những tính toán thiết thực

Tăng lương, giảm giờ làm là việc mà bất cứ xã hội tiến bộ nào cũng mong muốn hướng đến. Nếu điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của chúng ta cho phép thực hiện việc giảm giờ làm thì đó cũng là việc cần thiết và mang nhiều ý nghĩa tích cực, phù hợp với xu thế chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN