Từ tháng 4/2022, trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm phòng bằng vaccine Pfizer và Moderna
Chiều 31/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Hội nghị kết nối đến 700 điểm cầu trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ... để bảo đảm tiêm chủng phải an toàn.
Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng, vì theo các chuyên gia, nhà khoa học, khi trở lại trường học, việc lây nhiễm COVID-19 của trẻ đã tăng lên do biến chủng Omicron. Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng,phụ huynh phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để cách ly, tiếp tục học trực tuyến…, tạo gánh nặng lên xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Ngoài ra, các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng đáng lo ngại. Đó là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng mà hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận…
Do đó, thời gian qua Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này. Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…
Ngày 31/3, cả nước ghi nhận 80.838 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 30/3 đến 16 giờ ngày 31/3, cả nước ghi nhận 80.838 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, hiện cả nước có 2.975 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, không có ca nào phải chạy ECMO.
Trong số các nhiễm mới, có 11 ca nhập cảnh và 80.827 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.932 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 56.105 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.564.609 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 96.747 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.556.876 ca, trong đó có 7.516.196 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Hà Nội (1.474.782), TP Hồ Chí Minh (594.585), Nghệ An (391.871), Bình Dương (376.566), Hải Dương (344.058).
Từ 17 giờ 30 ngày 30/3 đến 17 giờ 30 ngày 31/3, cả nước ghi nhận 39 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 50 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.493 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội: Xem xét tổ chức bán trú cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc xem xét tổ chức hoạt động bán trú cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 khi học trực tiếp tại trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, trên cơ sở kế hoạch tổ chức và nhu cầu hoạt động bán trú của các trường, các cơ sở giáo dục, xem xét và quyết định cho phép các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn được tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 khi học trực tiếp. Các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh đi học trực tiếp để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, chủ động báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của UBND các quận, huyện, thị xã.
Sở lưu ý việc tổ chức hoạt động bán trú phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Các trường, cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục; trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.
Các trường ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ tại ngay tại lớp học; giãn cách tối đa theo điều kiện của từng lớp. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch, xà phòng trước và sau khi ăn. Nhà trường phải vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của trường), đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Hiện, học sinh các khối lớp từ 7 đến 12 của Hà Nội đã đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, công tác bán trú vẫn chưa được tổ chức phần nào gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón, lo bữa ăn cho con. Do đó, việc tổ chức bán trú là rất cần thiết, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới.