Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng nhiều sau đại dịch COVID-19

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút BHXH một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch COVID-19. 

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là một trong 4 tư lệnh ngành đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này. Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,99 triệu người, chiếm 34,28% LLLĐ trong độ tuổi tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,48 triệu người, chiếm 3,15% LLLĐ trong độ tuổi giảm 0,47% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong năm 2022, cơ quan BHXH đã tiếp nhận và giải quyết: 108.534 hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu tăng 1,37% so với năm 2021, 997.470 hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần tăng 3,55% so với năm 2021, 11,73 triệu hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. 

Ngày 13/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 583/QĐ-TTg về việc giao dự toán thu, chi BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2022. Cụ thể, tổng số thu BHXH, BHTN năm 2022 là hơn 308 nghìn tỷ đồng; Tổng số chi BHXH, BHTN năm 2022 là hơn 299,1 nghìn tỷ đồng, trong đó chi từ quỹ BHXH là 229,7 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn NSNN là 44,5 nghìn tỷ đồng và chi từ quỹ BHTN là 24,9 nghìn tỷ đồng.

Thực trạng hưởng bảo hiểm một lần giai đoạn 2016 – 2022, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021). 

Trong giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng). 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khái quát một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Một số quy định, chính sách còn chưa thật phù hợp, hấp dẫn.

Về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng.

Tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách. 

Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. 

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. 

Về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa Luật BHXH, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan BHXH có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh BHXH, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết.

V.Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, phiên chất vấn bắt đầu từ sáng ngày 6/6/2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và có phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Trong 2,5 ngày làm việc, Quốc hội chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ và giao thông vận tải. Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN