Tin nổi bật ngày 4/12

Trong ngày 4/12, dư luận quan tâm đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020; Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản; Phát hiện sai sót khi chi trả hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng; Kiểm điểm công tác phòng dịch COVID-19 của Vietnam Airlines; Trên 100 người nhập viện do có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm…

Thủ tướng: Cơ đồ đất nước mãi thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Sáng 4/12, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bày tỏ vui mừng khi tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một bông sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.

Thủ tướng nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, Thủ tướng cho rằng, các tỉnh khó khăn - nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí, quyết tâm không để địa phương mình bị bỏ lại phía sau, để nhân dân các dân tộc ngày càng có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí thực hiện cho địa bàn dân tộc, miền núi, chiếm 70% tổng vốn Chương trình qua các giai đoạn. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 52,5% tổng dư nợ cả nước trên địa bàn miền núi, dân tộc.

“Với những quyết tâm và nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ như vậy, chúng ta vui mừng nhận thấy: Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí”, Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho thế hệ sau mà còn là tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở các vùng đồng bào dân tộc thêm đoàn kết, thống nhất, vững mạnh hơn. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.

Các tỉnh, thành chưa thường xuyên rà soát hộ nghèo, cận nghèo

Theo kết luận thanh tra mới ban hành của Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), kết quả thanh tra điểm về chính sách giảm nghèo từ tháng 7 đến tháng 9/2020 tại Hà Nội, Hưng Yên, Gia Lai, Đồng Nai cho thấy hầu hết tỉnh, thành chưa rà soát hộ nghèo, cận nghèo thường xuyên.

Chú thích ảnh
Chi trả hỗ trợ cho người dân tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ phát sinh nhân khẩu hoặc gặp khó khăn đột xuất chưa được đưa vào danh sách để được hỗ trợ. Một số xã chậm chi trả tiền hỗ trợ khó khăn do COVID-19 hoặc chưa đủ định mức, khiến người thụ hưởng chịu thiệt thòi. Theo quy định, mỗi nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 250.000 đồng mỗi tháng, liên tiếp trong ba tháng và nhận một lần.

Đáng chú ý, qua rà soát hơn 6.600 hộ nghèo, cận nghèo tại bốn tỉnh, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xác định 2.350 hộ không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.

Cụ thể, tại Hà Nội, thanh tra đã xác minh 4.263 hộ nghèo và cận nghèo thuộc huyện Phú Xuyên, phát hiện 125 hộ không đảm bảo điều kiện thuộc hộ nghèo, 1.894 hộ không đảm bảo thuộc hộ cận nghèo. Đáng chú ý, đối với cấp xã tại Hà Nội chưa kịp thời gửi thông báo đến cơ quan BHXH hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, hội có sự tháy đổi về số lượng thành viên để dừng cấp thẻ BHYT; hàng quý, chưa lập danh sách hỗ trợ tiền điện đối với với các hộ nghèo gửi UBND huyện theo quy định. Thanh tra Bộ LĐTBXH yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục thiếu sót, chỉ đạo các xã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã chi hỗ trợ COVID-19 đối với hộ không đủ điều kiện thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Tại Hưng Yên, Thanh tra Bộ LĐTBXH thanh tổng cộng 1.293 hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Văn Giang, xác định 168 hộ không đủ điều kiện công nhận. Ngược lại, 14 hộ khó khăn nhưng không được xét để thụ hưởng chính sách.

Tại Gia Lai, thanh tra rà soát các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Chư Prông. Đây là nơi chính quyền địa phương đã chi trả hỗ trợ hơn 8.200 hộ nghèo, hơn 19.000 hộ cận nghèo, với tổng kinh phí gần 20,5 tỷ đồng. Qua xác minh trực tiếp 642 hộ, cơ quan chức năng phát hiện 64 hộ không đủ điều kiện công nhận nghèo, cận nghèo; 30 hộ đủ điều kiện thụ hưởng chính sách nhưng chưa được nhận tiền.

Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chính quyền đã hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ khó khăn do COVID-19 cho 1.491 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng từ cuối tháng 5. Thanh tra tổng cộng 459 hộ nghèo và cận nghèo, xác định 99 hộ không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.

Cơ quan thanh tra kiến nghị lãnh đạo các tỉnh, thành trên kiểm điểm rút kinh nghiệm, thu hồi, nộp lại ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai quy định.

Kiểm điểm công tác phòng dịch COVID-19 của Vietnam Airlines

Thực hiện Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Giao thông vận tải vừa gửi công văn hỏa tốc 12388/BGTVT-VP yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP-Vietnam Airlines, Cục Y tế GTVT, Cục Hàng không Việt Nam kiểm điểm công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Vietnam Airlines kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự việc tiếp viên hàng không vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19, gây lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly của VietnamAirlines và gây lây nhiễm ra ngoài cộng đồng thời gian qua; đồng thời, phân tích, đánh giá, làm rõ những vi phạm và đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch COVID-19 trong các hoạt động thời gian tới.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Y tế GTVT tham dự tất cả các cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của Vietnam Airlines; phối hợp cùng Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 của Vietnam Airlines, trong đó chú trọng các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, của chính quyền các địa phương và công tác tổ chức cách ly, giám sát đối tượng phải cách ly trong các cơ sở cách ly của Vietnam Airlines.

Cục Hàng không Việt Nam căn cứ vào kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines để tham mưu, đề xuất hình thức xử phạt theo thẩm quyền quản lý Nhà nước chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Bộ GTVT trước 17 giờ ngày 10/12/2020.

Trên 100 người nhập viện do có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Gia Lai xác nhận, sáng 4/12, trên 100 người dân tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện. Số lượng bệnh nhân tiếp tục được cập nhật.

Chính quyền địa phương cho biết, trước đó, chiều 3/12, một đoàn từ thiện phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Pưh đã đến thăm, tặng quà người dân xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, trong đó có một số thực phẩm như bánh ngọt và xôi. Đến ngày 4/12, nhiều người dân, chủ yếu là trẻ em trong xã có dấu hiệu đau đầu, nôn mửa nên đã được đưa đến Trạm xá xã Ia Phang cấp cứu. Một số người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nhận được thông tin vụ việc, lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác cấp cứu, điều trị kịp thời. Hiện, Sở Y tế đã điều động toàn bộ đội ngũ y tá, bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh và hai huyện lân cận là Phú Thiện, Chư Sê để hỗ trợ, phân loại bệnh nhân, cấp cứu kịp thời tại Trạm Y tế xã Ia Phang và Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh.

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản

Sáng 4/12, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp xã giao ngài Yamada Takia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cảm ơn ngài Đại sứ đã quan tâm, tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, trong đó có quan hệ quốc phòng. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến mong muốn ngài Đại sứ tiếp tục có những đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Hai bên hài lòng với những kết quả hợp tác quốc phòng thời gian qua, nhất là việc tích cực triển khai các nội dung hợp tác theo các thỏa thuận đã ký; trong đó, có Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương và Tuyên bố Tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo.

Hai bên cũng nhất trí sớm triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương ngay sau khi dịch COVID-19 được không chế; trong đó tập trung vào các lĩnh vực như trao đổi đoàn, đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quân y, hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh dự thảo các văn bản hợp tác quốc phòng để có thể sớm triển khai ký kết trong thời gian tới.

Ngài Đại sứ đã chia sẻ những thiệt hại do do mưa lũ gây ra ở miền Trung Việt Nam thời gian vừa qua và khẳng định sẽ tích cực ủng hộ để hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả.

XC/Báo Tin tức
Nền tảng mở Flex Digital đáp ứng phát triển Chính phủ số
Nền tảng mở Flex Digital đáp ứng phát triển Chính phủ số

Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital "Make in Vietnam" dựa trên phần mềm nguồn mở là một giải pháp toàn diện đáp ứng các yêu cầu về phát triển Chính phủ số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN